Cầu bạc tỷ… dãi nắng, dầm mưa

TPO - Đó là hiện trạng của Công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu nạn, cứu hộ, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm, thuộc huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị ở tỉnh Quảng Trị.

Công trình được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư, thi công năm 2010, với tổng mức kinh phí hơn 683 tỉ đồng, do Sở NN-PTNN Quảng Trị làm chủ đầu tư. Cty TNHH Xây dựng Thống Nhất (trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) đảm trách thi công. 

Song hiện không ít hạng mục của công trình vẫn còn dang dở, đặc biệt 5 cây cầu lớn vượt lũ trên tuyến đường đang lâm vào tình cảnh dãi nắng dầm mưa, xuống cấp do công trình ngừng thi công.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngay sau khi dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, Cty TNHH Xây dựng Thống Nhất đã huy động nguồn lực, thi công công trình.

Tuy nhiên khi công trình đang tiến triển  thì bị cắt vốn. Mặc dầu chủ đầu tư và nhà thầu đã tìm mọi biện pháp khắc phục, nhưng đến năm 2012, nhà thầu buộc phải ngừng thi công công trình do bị cạn kiệt nguồn vốn. 

5 cây cầu có giá trị đầu tư lớn của Công trình cứu hộ, cứu nạn và phát triển kinh tế hai bên bờ sông Thạch Hãn đang trong cảnh dầm mưa dãi nắng, hoen gỉ trước thời gian. Ảnh: H.T

Theo đó, trên tổng chiều dài gần 9 km đường được đúc đổ bê tông vĩnh cửu, vẫn còn nhiều đoạn đường đất, ngập lụt nặng và không thể đi lại về mùa mưa lụt. 

Đáng chú ý là 5 cây cầu, với mỗi cây đều đã được hoàn thành hơn 80% khối lượng công trình, nằm trơ trọi phơi mưa phơi nắng, sắt thép chỏng chơ hoen gỉ, cỏ dại um tùm phủ kín. 

Trong khi đó, người dân xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) vẫn phải tiếp tục qua sông trên những chiếc cầu tạm bợ, đầy nguy hiểm. 

Bà Trần Thị Chữ ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng nhìn 5 cây cầu, thở dài: “Trên đường đi làm đồng qua 5 cây cầu với sắt thép nằm chỏng chơ mà xót xa.

Những tưởng cầu sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng để bà con bớt được khổ cực trong đi lại lâu nay vốn đã rất vất vả và đầy nguy hiểm, nhưng cho tới bây giờ bà con vẫn phải tiếp tục trèo đèo, lội suối…”.