'Cắt ngọn' công trình : Phải di dân nếu thấy nguy hiểm

'Cắt ngọn' công trình : Phải di dân nếu thấy nguy hiểm
TPO - Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng- Bộ Xây dựng Trần Chủng nói như vậy với Tiền phong Online khi đề cập đến vấn đề đảm bảo an toàn đối với việc cắt ngọn các công trình sai phạm nổi cộm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

>> Bắt đầu 'cắt ngọn' cao ốc 15 tầng bên Hồ Tây
>> Bắt đầu 'cắt ngọn' tòa nhà số 9 Đào Duy Anh
>> Bắt đầu tháo dỡ công trình số 2/31 Nguyễn Chí Thanh

Ông Trần Chủng nói: kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để đảm bảo an toàn, thông thường khi xử lý tháo dỡ, cắt ngọn các công trình cao tầng, các nhà chuyên môn đã đưa ra các yêu cầu chặt chẽ về quy trình, kỹ thuật; đồng thời có sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn, tư vấn.

Với những công trình quá gần nhà dân, hay những công trình phải xử dụng hệ thống cần trục lớn, khi thi công nếu thấy quá nguy hiểm, thì có thể phải tạm thời sơ tán các hộ dân liền kề đi nơi khác, trong một thời gian nhất định.

- Thưa ông, đã có tai nạn nào xảy ra khi tháo dỡ các công trình lớn?

- Tại Việt Nam, việc cắt ngọn các công trình cao tầng chưa có tiền lệ. Do đó, đây cũng là vấn đề cần được tính toán kỹ. Thực tế, trước đây cũng đã từng xảy ra các vụ tai nại nghiêm trọng khi tháo dỡ một số công trình lớn:

Năm 1998, khi thực hiện tháo dỡ tòa nhà 4 tầng tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), do làm không đúng quy trình tòa nhà đã sụp xuống làm chết 6 người, bị thương 11 người/ tổng số 19 công nhân tháo dỡ. Tai nạn xảy ra do đơn vị thi công làm không đúng quy trình được duyệt-người ta đã đồng thời tháo dỡ cả 4 tầng, mà không lường hết được nguy hiểm có thể xảy ra!

Điều đáng tiếc, việc làm sai quy trình đó không có giám sát, các nguy cơ tai nạn do việc làm ẩu không được phát hiện kịp thời. Trước đó, một vụ tai nạn khác cũng xảy ra khi tháo dỡ hang-ga (mái vòm nhà che máy bay) tại sân bay Đà Nẵng. Khi các đinh ốc bị tháo ra, mái vòm lập tức sập xuống làm nhiều công nhân bị nạn.

Nguyên nhân tai nạn do lực lượng tháo dỡ không đánh giá đúng kết cấu công trình. Tuy nhiên, chúng tôi từng tổ chức tháo dỡ hệ thống cột bê tông và nhiều công trình lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Vấn đề là phải đánh giá đúng kết cấu để có biện pháp kỹ thuật tháo dỡ phù hợp.

- Thưa ông, việc cắt ngọn  những tòa cao ốc tại Hà Nội hiện nay có quá nguy hiểm không?

- Về quy trình-kỹ thuật, việc xây mới một tòa cao ốc là rất khó khăn, và việc tháo dỡ nó còn khó khăn hơn, nên không phải đơn vị nào cũng có thể làm được. Chính vì vậy, Luật đã quy định những đơn vị tháo dỡ phải là những đơn vị có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực và trình độ tháo dỡ. Đơn vị này phải lập phương án, giải pháp tháo dỡ-được các cơ quan chuyên môn thẩm định, trước khi thực hiện.

Trong quá trình tháo dỡ, phải có đơn vị giám sát, để có thể kịp thời phát hiện những nguy cơ, hoặc những sự cố có thể xảy ra, nhằm ngăn chặn  các rủi ro.

Mọi tác động khi tháo dỡ đều ít nhiều ảnh hưởng đến kết cấu, độ bền của công trình, ảnh hưởng tới các bộ phận liền kề-do đó khi tháo dỡ cần đảm bảo trước tiên cho công trình bị tháo dỡ-nghĩa là phải tính toán, làm đúng quy trình, không phải muốn làm gì cũng được. Cùng với đó phải bảo đảm an toàn cho lực lượng tháo dỡ, cộng đồng dân cư xung quanh; đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận. Đó những yêu cầu bắt buộc khi tháo dỡ.

Nếu lực lượng tháo dỡ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật-phần xây lắp sau tháo dỡ trước, phần xây lắp trước tháo dỡ sau và một số yêu cầu kỹ thuật khác thì yếu tố an toàn sẽ được đảm bảo.

Cần phải khẳng định, việc cắt ngọn sẽ làm giảm tải cho tòa nhà-do đó, nguy cơ đổ sập không thể xảy ra. Tuy vậy, để tránh những tai nạn đáng tiếc, việc cắt ngọn cần phải được giám sát chặt chẽ, nhằm kiểm soát việc tháo dỡ theo đúng quy trình, đúng các yêu càu kỹ thuật của khoa học tháo dỡ; phải có rào che chắn, hệ thống bảo hiểm cho công nhân lao động.

- Như vậy, không có đáng ngại quá lớn, đằng sau việc cắt ngọn các tòa cao ốc, thưa ông?

- Đáng ngại nhất chính là tác động ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh, như tiếng ồn, bụi bẩn do việc tháo dỡ gây ra. Hiện nay, nước ta chưa có công nghệ xử lý các chất thải rắn-phế liệu bê tông, sắt thép từ các công trình này.

Nói cách khác các phế thải này chưa được tái chế, mà mới chỉ được dùng làm để chôn lấp, san nền. Trên thế giới các chất này được tái chế thành phôi thép, phần bê tông được nghiền nhỏ làm thành các loại vật liệu xây dựng khác nhau trên một dây chuyền công nghệ khép kín. Làm như vậy vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh cho môi trường.

Theo tôi, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần sớm hoàn tất việc tháo dỡ các công trình này-nhằm tránh ô nhiễm và những ảnh hưởng không tốt đối với môi trường xung quanh. Thời hạn mà các chủ đầu tư đưa ra như hiện nay là quá dài, vẫn có thể rút ngắn lại.

- Thưa ông, vậy trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân thuộc về ai?

Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải cam kết đảm bảo an toàn cho người dân và những công trình xung quanh.

Đối với những công trình quá gần nhà dân, nếu khi tháo dỡ thấy nguy hiểm, chủ đầu tư và lực lượng tháo dỡ cần phải thông báo cho người dân được biết, đồng thời phải tiến hành di dân khi cần thiết. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị tháo dỡ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân-chứ không phải chỉ dừng lại ở việc thông báo về sự nguy hiểm có thể xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG