Tân Kỳ - Nghệ An:

Cắt giảm hợp đồng thiếu thuyết phục với hàng trăm giáo viên

Cắt giảm hợp đồng thiếu thuyết phục với hàng trăm giáo viên
TP - Họ là những giáo viên tiểu học đang lao động theo diện hợp đồng. Người ít thì 5 - 7 năm, người nhiều cũng xấp xỉ 10 năm trong nghề.

Điều đáng nói là sau khi ra trường về tiếp nhận công tác, các thầy cô này đã được UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) và Phòng Giáo dục huyện này ký hợp đồng lao động dài hạn, sau đó “giáng” xuống ngắn hạn.

Hợp đồng dài hạn bị “giáng” xuống ngắn hạn

Cô giáo Đậu Thị Tâm, giáo viên Trường Tiểu học xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ cho biết: Năm 1999, cô được về làm công tác giảng dạy tại trường, và được ký hợp đồng dài hạn với mức lương 800.000 đồng/tháng, được đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm học thì cô bị “giáng” xuống hợp đồng ngắn hạn, với mức lương 500.000 đồng/tháng.

Cách trường Tiểu học Giai Xuân khoảng chục cây số, chúng tôi tìm về nhà  của vợ chồng cô giáo Ngân Thị Niệm. Cô Niệm cho biết, cô cũng như hàng trăm giáo viên khác của Tân Kỳ, từ giáo viên hợp đồng dài hạn bị đưa xuống ngắn hạn.

Cắt giảm hợp đồng thiếu thuyết phục với hàng trăm giáo viên ảnh 1

Do hoàn cảnh khó khăn nên lâu nay vợ chồng cô Niệm phải ở nhờ căn nhà của bố mẹ chồng.

Mức lương cô giáo Niệm được nhận là 500.000 đồng/tháng không thể đủ chi phí cho việc chi tiêu trong gia đình, cả nhà chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp do bị nhiễm chất độc điôxin của chồng.

Nhiều tháng trừ ngược, trừ xuôi cô Niệm chỉ còn được 100 nghìn đồng mang về nhà, có tháng bị âm cả tiền lương, đó là chưa kể tiền xăng xe và  nhiều khoản chi phí khác.

Cô giáo Trần Thị Trâm (SN1975), sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An  đã từ giã quê hương Quỳnh Lưu tình nguyện lên huyện miền núi Tân Kỳ gieo chữ.

Cùng với một số giáo viên khác, cô Trâm được Phòng Giáo dục huyện Tân Kỳ tiếp nhận công tác, UBND huyện ký hợp đồng dài hạn kể từ ngày 15/9/1999, hưởng lương 500.000 đồng/tháng) và được đóng BHXH.

Chấp hành sự phân công, cô Trâm nhận nhiệm vụ giảng dạy tại phân hiệu 1 trường Tiểu học Phú Sơn 2 đóng chân tại bản Khe Đen của xã này. Đây là một bản dân tộc ít người, lại nằm cô lập ở bên kia sông nên hằng ngày cô Trâm phải đi đò để đến lớp.

Xấp xỉ 10 năm trôi qua, không những không có định biên- biên chế mà hợp đồng dài hạn của cô cũng bị chuyển sang ngắn hạn. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, lương chính hiện nay của cô là 550.000 đồng/tháng, với mức lương đó cô nuôi 2 con nhỏ và người chồng thất nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Xuân (trường Tiểu học Đồng Văn 4) và thầy Lê Văn Bình (trường Tiểu học Phú Sơn 1), cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự.

Huyện làm sai, giáo viên lãnh đủ

Tháng 9/2004, ông Lưu Văn Bính – lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã quyết định đưa một loạt giáo viên Tiểu học chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng ngắn hạn.

Mới đây Phòng Nội vụ huyện này cũng đã thôi không cho số giáo viên này tiếp tục đóng BHXH. Theo số liệu của Phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ thì số lượng giáo viên bị giáng xuống hợp đồng ngắn hạn đến đầu năm trước khoảng 240 người, nhưng hiện chỉ còn lại 126 giáo viên tiếp tục bám trụ, số khác đã dứt áo ra đi.

Trong số các thầy cô giáo đang khắc khoải chờ biên chế nói trên, phần lớn đều đã có thâm niên từ 5 - 10 năm trong ngành, nơi mà họ công tác là những địa bàn vùng sâu, vùng xa như: Đồng Văn, Giai Xuân, Tân Xuân...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lý do mà UBND huyện Tân Kỳ đưa ra để cắt giảm hợp đồng lao động đối với các thầy, cô giáo nói trên là vì số học sinh tiểu học của huyện này trong nhiều năm trở lại đây liên tục giảm, kéo theo số lớp cũng giảm xuống.

Ngoài ra, những giáo viên năng lực yếu cũng phải “hạ cấp”. Tuy nhiên, với những thầy cô giáo kể trên, chúng tôi thấy không hoàn toàn như vậy. Có những người liên tục trong 6 - 7 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp cơ sở và nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua...

Điều bất cập dễ nhận thấy trong vấn đề định biên- biên chế giáo viên ở Tân Kỳ là hiện nay ở huyện này đang có một số lượng không nhỏ giáo viên đã đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tiếp tục được giữ lại làm công tác giảng dạy, trong khi đây lại chính là số giáo viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuẩn giáo viên tiểu học.

Một bộ phận giáo viên trẻ khác chưa thực hiện nghĩa vụ công tác miền núi nhưng vẫn được biên chế chỉ sau một đến hai năm công tác tính từ khi ra trường.

Ông Nguyễn Duy Thủy - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ giải thích: “Chuyện các giáo viên bị thay hợp đồng từ dài hạn xuống ngắn hạn là do trước đây đồng chí Chủ tịch cũ làm việc này.

Huyện không có quyền ký hợp đồng dài hạn, trước đây đã làm sai quy định của Nhà nước, do sửa sai mới có chuyện từ hợp đồng dài hạn xuống hợp đồng ngắn hạn. Hai năm trở lại đây huyện Tân Kỳ thừa trên 240 giáo viên chủ yếu là tiểu học.

Đặc biệt là số người đã hợp đồng lâu năm, bây giờ không ký hợp đồng với họ, vì nếu hợp đồng tiếp thì nguồn ngân sách của huyện không trang trải được.

Huyện đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để đôn đốc số  giáo viên cao tuổi có thể nghỉ hưu theo chế độ 132 (tức là nghỉ hưu trước tuổi) và sẽ loại bỏ những giáo viên  yếu kém về năng lực, chuyên môn hoặc trách nhiệm, xếp loại yếu, lúc đó may ra mới có những cơ hội cho những trường hợp hợp đồng ngắn hạn tiếp tục “lọt” vào đội ngũ hợp đồng dài hạn”.

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó chủ tịch UND tỉnh Nghệ An cho biết: “Vấn đề này UBND tỉnh đã phân cấp hoàn toàn cho UBND huyện giải quyết, do vậy việc xử lý như thế nào thì UBND huyện Tân Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm...”
MỚI - NÓNG