'Cắt giảm 90% mặt hàng kiểm tra thực phẩm mà số người đau bụng đâu có tăng lên'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các đại biểu tham dự cuộc họp (ảnh H.C)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các đại biểu tham dự cuộc họp (ảnh H.C)
TPO - "Khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định 38, Bộ Y tế cắt giảm tới trên 90% các mặt hàng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng số người bị đau bụng đâu có tăng lên. Như vậy là cắt giảm thủ tục mà vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc tới một ví dụ thành công của việc cải cách cắt giảm thủ tục.

Tại cuộc họp ngày 2/1 về việc xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Mục dự kiến đề ra là sẽ cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành và 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

“Quan điểm chỉ đạo của kế hoạch là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Với các quy định nằm trong luật, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Nhắc tới việc mới đây, một Cục của một Bộ ban hành một công văn mà “cả nước phải theo”, ông Dũng lưu ý cần xác định rõ thẩm quyền, thông tư của Bộ đang quy định thế này nhưng Cục ra văn bản yêu cầu không thực hiện như thế nữa.

'Cắt giảm 90% mặt hàng kiểm tra thực phẩm mà số người đau bụng đâu có tăng lên' ảnh 1  Ông Mai Tiến Dũng cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về cải cách

Đồng tình với nhiều nội dung mà kế hoạch đưa ra, song ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, quan trọng là việc thay đổi phương thức quản lý, tư duy quản lý, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCI chỉ cảnh báo “đang có xu hướng các bộ tách ra để ban hành nhiều văn bản thay vì gom lại, làm cho quy trình trở nên tốn kém và hệ thống pháp luật trở nên phức tạp”.

Khẳng định đây là cải cách mang tính triệt để, mang tính quyết định lâu dài, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phân tích, các thông tư không được lấy ý kiến kỹ lưỡng như ở cấp nghị định hay luật, nên “loằng ngoằng nhiều ở thông tư”. Nếu không áp dụng nguyên tắc “một đổi một, một đổi hai” thì người dân và doanh nghiệp phải tiếp cận rất nhiều văn bản mới nắm được hết các quy định, tất nhiên, việc này sẽ không áp dụng cứng nhắc. Bộ trưởng đề nghị đồng thuận với cách tiếp cận  này để thực thi quyết liệt theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định 38, Bộ Y tế cắt giảm tới trên 90% các mặt hàng kiểm tra an toàn thực phẩm, nhưng số người bị đau bụng đâu có tăng lên. Như vậy là cắt giảm thủ tục mà vẫn bảo đảm quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng nhắc tới một ví dụ cải cách thành công.

MỚI - NÓNG