Giảm 9.223 lãnh đạo phòng, hơn 60 nghìn biên chế
Ngày 17/1, tại hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức – Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin về kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo ông Tùng, đây là một trong những nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, có sự vào cuộc ngay của cả hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương.
Kết quả sau 1 năm thực hiện, về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm 3 cơ quan trung ương; đã bước đầu sắp lại để giảm 1 số tổng cục thuộc bộ; cơ cấu lại để giảm cục, vụ và tương đương ở các cơ quan trung ương; các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cấp phòng và tương đương giảm nhiều nhất.
Về số lượng lãnh đạo quản lý, đã giảm 11 lãnh đạo cấp tổng cục, 171 lãnh đạo cấp vụ (trong đó 36 lãnh đạo vụ, cục thuộc tổng cục); 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 9.223 lãnh đạo phòng và tương đương.
Về biên chế do sắp xếp lại tổ chức, theo ông Tùng đã giảm 60.656 biên chế, bao gồm cán bộ, công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
Đánh giá sau 1 năm Trung ương ban hành Nghị quyết số 18, theo ông Tùng, có thể khẳng định nghị quyết đã được triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ, toàn diện các nội dung, ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, bước đầu đạt kết quả tích cực, có sức lan tỏa.
Đến nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tất cả các nhiệm vụ chung, các nhiệm vụ thường xuyên và 53 nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức phải thực hiện từ năm 2018. Cụ thể:
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết; chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối trực thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập; không thành lập mới tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, cơ bản không chuyển vụ thành cục, không có phòng trong vụ; giảm số lượng lãnh đạo cấp phó gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả, giảm được nhiều đầu mối tổ chức, đơn vị trung gian, giảm biên chế. Số lượng tổ chức và lãnh đạo cấp phòng tại các địa phương giảm nhiều.
Việc kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý được thí điểm hoặc tổ chức thực hiện rộng rãi: Trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện; trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra cấp huyện…; Trưởng Ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình tổ chức bộ máy ở các địa phương cũng được thí điểm, như việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra cấp huyện; hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ cấp huyện…
Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực thực hiện rà soát, sắp xếp các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án. Việc sắp xếp các ban quản lý dự án ở địa phương đã giảm 17 đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 92 đầu mối cấp phòng; 22 cán bộ lãnh đạo cấp sở, 121 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Các địa phương đã xây dựng đề án, kế hoạch sắp xếp thôn, tổ dân phố. kết quả giảm 16.994 thôn, tổ dân phố. Một số địa phương đã chủ động xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền để thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị (Hà Nội, Đà Nẵng).
Thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Tùng, trong quá trình thực hiện vẫn còn những vấn đề đặt ra, như hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung mới về tổ chức bộ máy, biên chế chưa kịp thời ban hành để thực hiện; công tác sắp xếp, phân công kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức chưa nhiều. Số lượng tổ chức và lãnh đạo cấp phó ban, ngành, sở, đơn vị… cấp tỉnh giảm chưa tương xứng.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; một số cơ quan chưa chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện; còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, có tư tưởng chờ cấp trên chỉ đạo mới làm…. Chậm xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức phù hợp trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Đề án vị trí việc làm chưa xác định được tổng biên chế cần có của địa phương, đơn vị.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 18 trong năm 2019 là hoàn thiện xây dựng mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các nội dung của nghị quyết…
Trong đó, sẽ thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện; thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh….