“Cấp trên quy trách nhiệm thế nào thì mình xin chịu!”

“Cấp trên quy trách nhiệm thế nào thì mình xin chịu!”
Ai phải chịu trách nhiệm về khoản tiền bồi thường này (nếu có)? Ông Lê Đức Tứ, ủy viên HĐQT, nguyên TGĐ Vietnam Airlines giai đoạn 1993-1998 - thời kỳ diễn ra vụ kiện khiến VNA có nguy cơ mất “oan” hơn 5 triệu Euro- trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

Chúng tôi không biết ai là người đầu tiên đặt quan hệ với Falcomar, nhưng hợp đồng, bút tích đầu tiên còn lưu hiện nay là của anh Đào Ngọc Nhương, Phó TGĐ, phụ trách về thương mại, kiêm Trưởng ban Tiếp thị khách hàng ký. Khi đó tôi là Phó TGĐ, phụ trách về đoàn bay. Nên những cái liên quan đến thương mại tôi không quan tâm.

Đến tháng 1/1992, anh Vinh (ông Nguyễn Đức Vinh) được bổ nhiệm làm Phó ban Vận tải và anh Vinh lại ký gia hạn. Cho đến tháng 10/1992 thì hết hạn, và sau đó lại ký tiếp cho đến năm 1995 thì mới cắt hợp đồng.

Theo hợp đồng giữa VNA và đại lý thì phía đại lý được làm những gì và phía VNA có trách nhiệm với các đại lý ra sao?

Nhiệm vụ chính của các đại lý là bán vé và thu tiền nộp về cho VNA. Họ được hưởng hoa hồng trên lượng vé bán ra. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa VNA với các đại lý thì thông thường các đại lý muốn phát triển thị trường thì phải có quan hệ: từ việc tiếp xúc với nhà chức trách hàng không, các hãng hàng không, xem xét để mở các đường bay trực tiếp hoặc mình không mở thì mình sẽ ký với các hãng hàng không để mua ghế, mua tải hay kể cả quảng bá, quảng cáo... để phát triển thì một mặt VNA cũng trực tiếp làm, mặt khác các đại lý cũng phải có trách nhiệm làm.

Anh bán được nhiều vé thì mới có lãi. Vì thế những việc làm như vậy thường các đại lý vẫn bỏ tiền ra làm miễn phí cho VNA. Ai làm đại lý cho mình thì họ đưa đón mình, quan hệ với đối tác như thế nào, giúp mình trong in ấn tài liệu, các thủ tục...thì người ta đều làm cho mình.

Với nhiều việc mà các đại lý làm như vậy, liệu có ai trong VNA đã nhờ LS Liberati làm một việc gì đó chăng ?

Không thể có chuyện đó được. Vì không bao giờ mình lại nhờ trực tiếp anh ta cả. Ai dại gì mà đi làm cái đó. Nếu có gì giao nhiệm vụ cho đại lý thì mình cũng chỉ ủy quyền thông qua Falcomar chứ không bao giờ ủy quyền trực tiếp với người lao động của đại lý. Mặt khác, nếu mình mà ủy nhiệm trực tiếp cho anh ta thì chắc chắn tay LS sẽ kiện đòi tiền mình ngay từ đầu chứ không kiện “thằng” Falcomar.

Thời ông làm TGĐ thì Liberati còn làm cho Falcomar không?

Vẫn còn làm. Và anh ta cũng chỉ làm những việc của Falcomar, chứ VNA đâu cần đến anh ta.

Nhưng vì sao khi đó ông lại quyết định không cử đại diện VNA tham dự phiên toà?

Việc Tổng Cty Hàng không Việt Nam có nguy cơ mất “oan” hơn 5 triệu Euro đã có thêm tia hy vọng, khi mà Toà Phúc thẩm Italia cho phép hai bên tiếp tục củng cố hồ sơ để biện hộ tại Toà Phúc thẩm trong việc xem xét có chấp nhận cho phía VNA kháng án hay không, diễn ra vào tháng 1/2006.

Tuy nhiên, việc theo kiện của Việt Nam sẽ trở nên tốn kém hơn. Và  nếu như VNA thua kiện thì số tiền bồi thường sẽ không chỉ dừng lại ở 5,2 triệu Euro. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền bồi thường này (nếu có)?

Lúc đó “trát” của tòa về Văn phòng đối ngoại, Văn phòng đối ngoại mới chuyển cho Ban tiếp thị trả lời. Nhưng Ban tiếp thị trả lời là không liên quan. Mà đúng là hợp đồng đại lý không liên quan thật. Nên văn phòng đối ngoại đã không trình lên tôi nữa. Cho nên tôi có biết gì đâu, hoàn toàn tôi không biết gì đến cái “trát” của toà cả. Đến năm 2002 nó đòi tiền thì ông Hiển mới báo cáo cho HĐQT biết.

Tức là sự việc chưa hề chuyển đến tay ông?

Đúng thế ! Vì nguyên tắc của tôi là nếu có vấn đề gì anh em chuyển cho mình thì thuộc lĩnh vực nào tôi phải chuyển cho phó TGĐ phụ trách lĩnh vực đó. Ví dụ trường hợp này sẽ chuyển cho anh Vinh, Phó TGĐ phụ trách thương mại sẽ đề xuất. Nhưng vì không đến tay tôi nên cũng không chuyển cho anh Vinh được.

Thưa ông, ngay bản thân một đại lý vé của VNA cũng thuê một luật sư để tư vấn về thị trường...Còn VNA thâm nhập vào thị trường Italia lại không có ai tư vấn để tìm hiểu luật pháp của nước sở tại?

Nói thật thời điểm đó, những thị trường bé như vậy mà mình bung ra thuê luật sư thì tốn kém lắm, thế thì thà rằng không mở còn hơn. Trừ những thị trường lớn thì có thể làm cái đó được, còn những thị trường bé thì hầu hết là mình ủy quyền cho đại lý làm luôn...Khi sự việc xảy ra mình thuê luật sư để tìm hiểu và tư vấn.

Và đến năm 2003 thì mình mới biết là luật của Italia nó khác với luật các nước: anh không dự phiên toà thứ nhất thì phiên toà thứ hai dù xử mình thì họ cũng không mời. Kết quả phiên xử được đăng trên công báo, chứ họ cũng không có trách nhiệm thông báo cho mình. Còn mình ở Việt Nam, lại không còn hoạt động gì ở Italia nữa nên có biết gì đâu (năm 1995, VNA thanh lý hợp đồng đại lý với Falcomar).

Vì sao khi nguyên đơn khởi kiện chỉ đòi bồi thường có hơn 400 ngàn Lia, nhưng đến khi toà phán quyết lại lên đến hơn 4 tỷ Lia, thưa ông?

Chính tôi cũng chưa biết vì sao lại như vậy. Không biết toà đã cộng thêm những cái gì mà lại nhiều đến thế. Tôi chỉ biết là trong đó bao gồm cả phí phiên toà, trượt giá, những chi phí của nguyên đơn từ khi khởi kiện đến khi thắng kiện...

Ông đã gặp giám đốc Falcomar chưa?

Chưa, cái này hồi đó chắc chỉ có anh Nhương biết thôi.

Theo ông Hiển (Nguyễn Xuân Hiển, TGĐ VNA) cho biết thì các LS hiện đang tư vấn giúp ta có khuyến cáo: Một trong những hướng mà ta có thể “gỡ” số tiền phải bồi thường là kiện lại giám đốc Falcomar, ông thấy sao?

Kiện gì được nữa, vì nó tuyên bố phá sản từ năm 1998 rồi. Nếu mà nó còn thì việc bồi thường đâu phải đến lượt mình...Vả lại toà bắt mình phải đền chứ có bắt Falcomar phải đền đâu mà mình lại đi kiện lại họ.

Nếu VNA phải chi ra cả 100 tỷ đồng để thi hành án thì trách nhiệm này sẽ thuộc về ai, thưa ông?

Quy trách nhiệm trong vụ này rất khó. Vì sự việc diễn ra cả chục năm rồi, VNA cũng đã trải qua những người lãnh đạo khác nhau. Mỗi thời kỳ phải chịu một trách nhiệm khác nhau. Chủ quan của tôi bây giờ lại nói trách nhiệm cho anh này, cho anh khác thì cũng không được. Hơn nữa bây giờ có anh thì nghỉ rồi, có anh đã chuyển công tác khác, có anh đã chết...Cái này rồi cơ quan chức năng của nhà nước người ta sẽ vào xem xét thôi.

Với tư cách là TGĐ thời kỳ đó, nếu tự nhận trách nhiệm thì ông sẽ nhận trách nhiệm gì?

Cá nhân tôi không trốn tránh trách nhiệm. Tất nhiên việc đó là xảy ra thời kỳ tôi làm TGĐ nhưng thực tế thì tôi lại không biết. Không ai nói với tôi. Mà tôi lại là cán bộ quản lý chung...Nên cấp trên mà sau này người ta quy trách nhiệm thế nào thì mình phải chịu thôi, chứ còn bảo mình tự nhận thì cũng rất khó. Đứng ở thời điểm này mà nhìn khuyết điểm ở thời điểm trước là rất khó.

Nếu nhìn vào vụ việc này thì phải chăng trách nhiệm của ông Nguyễn Hải, Trưởng ban Tiếp thị khách hàng là rõ nhất, thưa ông?

Theo tôi thì anh Nguyễn Hải đã trả lời Văn phòng đối ngoại đúng, vì trên góc độ đại lý thì mình không có liên quan gì đến LS Liberati. Bởi trong hợp đồng đại lý giữa VNA với Falcomar có ràng buộc: Falcomar phải chịu trách nhiệm về việc thuê lao động. Chỉ có điều, đúng ra khi Văn phòng đối ngoại nhận được “trát” đó và có ý kiến của Ban Tiếp thị khách hàng thì phải báo cáo TGĐ mới đúng. Vì đây là cơ quan tham mưu cho TGĐ. Đằng này không thấy liên quan là cũng thôi luôn, chẳng báo cáo gì.

Tức là nếu phải “quy” trách nhiệm thì trách nhiệm rõ nhất là Văn phòng đối ngoại, thưa ông?

Thời kỳ đó phụ trách Văn phòng đối ngoại là anh Nguyễn Ngọc Quang (nay là Phó ban Kế hoạch thị trường). Nhưng tôi cũng không biết thời điểm đó thì anh nào ở nhà để xử lý. Bởi công việc của Văn phòng đối ngoại cũng nhiều.

Xin cảm ơn ông !

MỚI - NÓNG