CẬP NHẬT DỊCH 18/6: Bình Dương tạm phong tỏa bệnh viện vì liên quan quán 'Cô chủ nhỏ'

0:00 / 0:00
0:00
CẬP NHẬT DỊCH 18/6: Bình Dương tạm phong tỏa bệnh viện vì liên quan quán 'Cô chủ nhỏ'
TPO - Sáng 18/6, Thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, đã tiến hành lập 8 chốt cách ly y tế đối với một phần của các khu phố Chánh Lộc 3, Chánh Lộc 4, Chánh Lộc 6, phường Chánh Mỹ.

Việc thực hiện cách ly y tế đối với khu vực này được tiến hành khẩn trương và nhanh chóng sau khi địa phương nhận được kết quả ghi nhận một ca nghi mắc COVID-19.

Ca dương tính ở phường Chánh Mỹ được xác định là nam, sinh năm 1992, ngụ tại khu phố Chánh Lộc 6, được xác định có liên quan với ca dương tính ở khu phố 7, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một.

Thành phố đã triển khai 8 chốt chặn, gồm: Đường Nguyễn Văn Lộng (đoạn nhà ông Quý); đường DX11 - Nguyễn Văn Lộng (hẻm cháo cá); đường tổ 3-4 (khu phố Chánh Lộc 6); đường tổ 7 (Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Văn Lộng); đường tổ 2-3 (khu phố Chánh Lộc 6); đường tổ 6 (khu phố Chánh Lộc 3); đường Nguyễn Văn Lộng (tổ 5, khu phố Chánh Lộc 3) và đường Liên khu Chánh Lộc – Mỹ Hảo (tổ 1, khu phố Chánh Lộc 4).

Một phần các khu phố 5 và 7, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một cũng được khẩn trương phong tỏa. Đây là nơi ở của ca dương tính là nam sinh sống trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn qua khu phố 7, phường Hiệp An vì có tiếp xúc gần với chùm ca bệnh liên quan đến quán trà sữa Cô chủ nhỏ ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một.

Trong khi đó, sáng cùng ngày, bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) cũng được tạm phong tỏa do có ca dương tính được phát hiện khi đến khám sàng lọc.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến sáng nay, trên địa bàn có 2.094 người đang cách ly tập trung và 2.399 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 44 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gồm: 3 trường hợp tại Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An; 8 trường hợp của Công ty có địa chỉ tại TP.Dĩ An; 3 trường hợp tại Chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An; 26 trường hợp liên quan đến ổ dịch phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên; 04 trường hợp tại Công ty có địa chỉ ở TP.Thuận An và 3 trường hợp tại phường Bình Thắng, TP.Dĩ An. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang cách ly điều trị 44 bệnh nhân. Các bệnh nhân hiện có sức khỏe ổn định. Ngoài ra còn có 3 ca dương tính vừa phát hiện chưa được Bộ Y tế công bố, đặt mã bệnh nhân.

Tích lũy đến nay, Bình Dương đã có 89 ca mắc COVID-19, gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 6 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 50 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia. (Hương Chi)

Hà Tĩnh ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19

Sáng 18/6, Hà Tĩnh có thêm 3 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các bệnh nhân đã được cách ly trong khu tập trung.

Ba bệnh nhân gồm: N.T.A (SN 1973), trú tại xã Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh; B.K.P (SN 1970), trú phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh. 2 bệnh nhân này là F1 của bệnh nhân 9567, được cách ly tập trung trước đó.

Bệnh nhân nam T.Đ.B (SN 1992), trú xã Quang Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh là F1 của bệnh nhân số 11356.

CẬP NHẬT DỊCH 18/6: Bình Dương tạm phong tỏa bệnh viện vì liên quan quán 'Cô chủ nhỏ' ảnh 1

Hà Tĩnh đã ghi nhận 76 ca mắc COVID-19

Hiện ngành y tế đang tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch, truy vết những đối tượng liên quan để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo đúng quy định.

Tính từ ngày 4/6 đến sáng 18/6 Hà Tĩnh có 76 ca nhiễm COVID-19. Hiện 1.987 F1 và 15.862 F2 của các ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. (Hoài Nam)

Bộ trưởng Y tế: Đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. (Lê Vũ)

25 tỉnh, thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế sáng 18/6 cho biết có thêm 81 ca mắc COVID-19 trong nước tại TPHCM và Bắc Giang, riêng TPHCM đã 60 ca. Đến nay Việt Nam đã có 12.231 bệnh nhân COVID-19.

Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Tính từ 18h ngày 17/6 đến 6h ngày 18/6 có 81 ca mắc mới (BN12151-12231):

- 0 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

- 81 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (60), Bắc Giang (21); trong đó 76 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 6h ngày 18/6:

- Việt Nam có tổng cộng 10.564 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.994 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có thêm tỉnh Thái Bình qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng cộng có 25 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng, Thái Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.311.345 xét nghiệm cho 5.147.851 lượt người.

Tình hình điều trị:

- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:

+ Lần 1: 407

+ Lần 2: 114

+ Lần 3: 65

- Số ca tử vong: 61 ca.

- Số ca điều trị khỏi: 4.653 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 170.674, trong đó:

- Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 1.999

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 37.428

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 131.247 (Quảng An)

Tăng tốc xét nghiệm tại khu cách ly, Bắc Giang vượt mốc 5.000 ca mắc COVID-19

Tính đến sáng 18/6, tỉnh Bắc Giang nghi nhận 5.066 trường hợp mắc COVID -19 (F0). Bên cạnh đó, tỉnh này có thêm 250 bệnh nhân đủ điều kiện ra viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 1.437 bệnh nhân.

Thông tin của tỉnh Bắc Giang, số trường hợp F0 phát sinh thêm vẫn liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các ca mắc mới chủ yếu là công nhân, các trường hợp liên quan đến công nhân.

Đặc biệt, trong ngày 17/6, tỉnh Bắc Giang phát sinh một ổ dịch mới tại thôn Bằng Công (xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn). Qua xét nghiệm tầm soát cộng đồng đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Bắc Giang nhận định, số F0 tăng cao được xác định là do thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện xét nghiệm trên 1,6 triệu mẫu, huy động nhiều đơn vị thực hiện xét nghiệm RT-PCR để kịp thời khống chế dịch. Việc tổng hợp kết quả từ nhiều đầu mối với số lượng mẫu lớn khó khăn, không thống nhất.

Ngoài ra, một số đơn vị xét nghiệm có hiện tượng máy bị nhiễm, phải dừng lại để khử nhiễm và chạy lại mẫu xét nghiệm, đồng thời gửi mẫu đi các đơn vị xét nghiệm khác để kiểm chứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc rà soát, xác định kết quả xét nghiệm của bệnh nhân mất nhiều thời gian, việc hoàn thiện các thông tin cơ bản để công bố ca bệnh chưa kịp thời, trong khi bệnh nhân đã được đưa đi đến cơ sở điều trị.

Theo tỉnh Bắc Giang, hiện nay, quá trình đối khớp vẫn đang diễn ra và sẽ hoàn tất vào chậm nhất vào ngày 20/6 và sẽ còn một số lượng F0 nữa được công bố bổ sung.

Bên cạnh đó, trong những ngày này, tỉnh Bắc Giang đang dồn tổng lực để tấn công dịch, tăng tốc xét nghiệm hàng ngày đối với người cách ly (trên 15.000 người đang ở trong 270 khu cách ly tập trung) nên sẽ vẫn còn phát sinh các trường hợp F1 trở thành F0.

Về ca bệnh chữa khỏi, theo thông báo, ngày 17/6, tỉnh Bắc Giang có thêm 250 bệnh nhân đủ điều kiện ra viện (cộng dồn đến nay đã có 1.437 bệnh nhân khỏi bệnh). Hiện có 403 bệnh nhân âm tính lần 1 và 341 bệnh nhân âm tính lần 2. (Long Vân)

TPHCM trưng dụng thêm nhiều ký túc xá, trường học làm khu cách ly

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TPHCM đã trưng dụng thêm nhiều ký túc xá, các trường mầm non, tiểu học… để làm khu cách tập trung cho những người liên quan đến COVID-19.

Theo đó, UBND TPHCM đề nghị Ban giám hiệu một số trường đại học hỗ trợ, chấp thuận việc trưng dụng cơ sở vật chất ký túc xá của trường để thiết lập khu cách ly tập trung cho những người tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2.

Cụ thể là ký túc xá của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7); Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM (quận 10) và Trường ĐH (quận 8). Theo UBND TPHCM, các ký túc xá này có sẵn cơ sở vật chất như phòng, giường nằm, điện, nước và mặt bằng rộng rãi, phù hợp để làm khu cách ly tập trung. Từ đó, chủ động đáp ứng nhu cầu cách ly y tế của TPHCM trong thời gian tới, ứng phó với tình huống có từ 500 đến 1.000 ca bệnh.

Trao đổi với PV, anh La Thanh Hùng, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sài Gòn cho biết, ngay khi có đề nghị của UBND TP, Trường đã họp và lên phương án sãn sàng phối hợp, bàn giao ký túc xá để làm khu cách ly khi cần. Theo anh Hùng, ký túc xá này của trường có khoảng 50 phòng, mỗi phòng có 10 giường. Tuy nhiên, do trường chuyển sang học trực tuyến từ khi dịch bùng phát trở lại nên số lượng sinh viên còn lại ở ký túc xá không nhiều, chỉ khoảng 70 em. “Nhà trường cũng đã nhắc nhỡ các em sinh viên đang còn ở lại bố trí đồ dùng gọn gàng, sẵn sàng nhường chỗ khi cần. Còn chỗ ở mới của các em cũng được nhà trường chuẩn bị sẵn ở một ký túc xá khác”, anh Hùng nói.

Tương tự, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho biết, số lượng sinh viên còn ở lại trong ký túc xá của trường không nhiều, chỉ khoảng 100 em do trường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến. “Hiện trường chỉ mới nghe thông tin nhưng cũng đã có các phương án, sẵn sàng bàn giao ký túc xá khi thành phố cần để làm khu cách ly”, đại diện nhà trường thông tin.

Trước đó, một số trường học, cơ sở giáo dục cũng đã được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung như Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (quy mô 130 giường); Trường tiểu học Phú Thuận (quy mô 124 giường) và Trường mầm non Phú Thuận (quy mô 48-50 giường), tất cả đều ở quận 7. Tại quận 1, hai trường học là Trường THCS Đồng Khởi và Trường THCS Minh Đức cũng vừa được bàn giao cho ngành y tế để làm khu cách ly tập trung dự phòng. ở quy mô lớn hơn, ký túc xá của các trường đại học như ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Văn hóa... cũng đã được trưng dụng làm khu cách ly tập trung từ đầu tháng 5 đến nay.

Được biết, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có hơn 1.200 ca mắc mới, trong tổng số ca mắc COVID-19 của cả nước là gần 9.000 ca. (Nguyễn Dũng)

Hà Nội: 3 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 'giúp' BVĐK Đức Giang bị phong tỏa vì COVID-19

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo BVĐK Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BVĐK huyện Gia Lâm tiếp nhận bệnh nhân từ BVĐK Đức Giang trong thời gian BVĐK Đức Giang tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh để phòng chống dịch COVID-19.

Trước đó, BVĐK Đức Giang dừng tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường từ 0h ngày 15/6/2021 cho đến khi bệnh viện đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch và có thông báo tiếp nhận bệnh nhân trở lại.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, đối với bệnh nhân đang điều trị nội trú, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang chuyển đến khám chữa bệnh tại BVĐK Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BVĐK huyện Gia Lâm trong thời gian bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.

3 bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận khám và điều trị liên tục cho người bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BVĐK Đức Giang.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khác trực thuộc ngành y tế Hà Nội chuyển người bệnh nghi ngờ thuộc các chuyên khoa nhi, sản, ngoại khoa và người nước ngoài đến BV Thanh Nhàn trong thời gian BVĐK Đức Giang tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. (Thuận Phương)

Long An xin chủ động mua vắc xin COVID-19

UBND tỉnh Long An vừa có tờ trình gửi đến Bộ Y tế về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho địa phương.

Theo UBND tỉnh Long An, địa phương này có đường biên giới giáp Campuchia, TPHCM, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh Long An rất cao.

Tỉnh Long An cũng có khu kinh tế cửa khấu, 16 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 12.000 doanh nghiệp và khoảng 370.000 người lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Long An có trên 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng được tiêm vắc xin, trong đó nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP có 268.096 người.

UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An hoặc tỉnh, thành phố khác được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam, cung cấp cho tỉnh Long An.

UBND tỉnh Long An cũng nêu, vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định đảm bảo chất lượng, đề nghị Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc-xin, đản bảo an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp đơn vị tiêm chủng. (Tân Châu)

Những ai không được bay nội địa Việt Nam để ngăn dịch?

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn các lực lượng liên quan phân loại giấy tờ khách mang quốc tịch nước ngoài được sử dụng khi đi các chuyến bay nội địa tại Việt Nam.

Theo đó, nhà chức trách hàng không Việt Nam lưu ý, các loại giấy thông hành biên giới cấp cho người nước ngoài giới hạn sử dụng cho đi lại khu vực biên giới, không có giá trị sử dụng cho đi lại trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, giấy thông hành biên giới chỉ được sử dụng để đi lại trong vùng biên giới (với tuyến biên giới Trung Quốc); đi lại trong phạm vi tỉnh biên giới (với tuyến biên giới Lào, Campuchia); đi lại trong khu kinh tế cửa khẩu (đối với tỉnh giáp biên).

Do đó, nếu phát hiện khách nước ngoài sử dụng giấy thông hành biên giới đất liền đi các chuyến bay nội địa, các đơn vị phục vụ mặt đất, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải thông báo và phối hợp với Công an Cửa khẩu kiểm tra, xác định phạm vi khách được đi lại.

Cơ quan chức năng hỉ chấp nhận làm thủ tục hàng không nội địa với khách nước ngoài sử dụng một trong các giấy tờ sau: Giấy thông hành của Liên hợp quốc; Giấy thông hành do cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cấp khẩn cấp; Giấy tờ nước ngoài cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (thẻ xanh Hoa kỳ, thẻ định cư dài hạn …) và các giấy thông hành được nhập cảnh, đi lại trên phạm vi toàn quốc. Kèm theo điều kiện khách nước ngoài được Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh cấp giấy thông hành...

Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với lực lượng an ninh hàng không, Công an cửa khẩu để thực hiện thủ tục hàng không. Các Cảng vụ hàng không được yêu cầu giám sát việc thực hiện các nội dung trên.

Thời gian qua, lực lượng chức năng nhiều địa phương đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam. Các đối tượng nhập cảnh trái phép không được giám sát và cách ly phòng chống dịch COVID-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây làm lan dịch trong cộng đồng. (Lê Việt)

Phạt bệnh nhân ở Hải Dương nhổ nước bọt khi được đưa vào viện điều trị

Ngày 18/6, ông Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) cho biết, địa phương vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2 bệnh nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch.

Theo đó, phường Nguyễn Trãi phạt bệnh nhân L.A.T (SN 1962, trú tại số 81 Đại lộ Hồ Chí Minh, phường Nguyễn Trãi) 4 triệu đồng. Nam bệnh nhân này dương tính SARS-CoV-2, ngày 22/5 được nhân viên y tế đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương để điều trị. Tại đây, người đàn ông trung niên này đã bỏ khẩu trang và có hành vi nhổ nước bọt xuống nền sân bệnh viện.

Ông Phạm Ngọc Sơn cũng thông tin, phường cũng ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với bà Đ.T.T (SN 1972, vợ ông L.A.T). Bà Đ.T.T cũng dương tính SARS-CoV-2 và được lực lượng y tế đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương tối 22/5.

Tại bệnh viện, người phụ nữ này đã bỏ khẩu trang để nói chuyển với nhân viên y tế.

Hai vợ chồng bệnh nhân L.A.T bị xử phạt hành chính về hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. (Nguyễn Hoàn)

UBND quận 7 - TPHCM trở lại hoạt động bình thường

Chiều 18/6, UBND quận 7 cho biết, sau khi khử khuẩn toàn bộ trụ sở và chuyển bộ phận tiếp nhận trả hồ sơ hành chính (nơi có nhân viên mắc COVID-19) sang khu vực khác, trụ sở UBND quận 7, TPHCM đã trở lại hoạt động bình thường.

Cụ thể, để đảm bảo không gián đoạn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp, trụ sở UBND quận 7 vẫn duy trì hoạt động, chỉ di dời khu tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua khu Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh quận 7 (cách trụ sở UBND quận 100m) để tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người dân.

Song song đó, UBND quận 7 tiếp tục duy trì việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến. Đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhằm góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, có một cán bộ phòng tiếp nhận trả hồ sơ mắc COVID-19, nên UBND quận 7 tạm phong tỏa bộ phận này, phun khử khuẩn toàn bộ cơ quan, truy vết, khoanh vùng các trường hợp F1 của ca dương tính. Các trường hợp tiếp xúc gần đã được cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung ngay trong ngày.

Như Tiền Phong đã thông tin, vào chiều ngày 17/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, sau khi ghi nhận trường hợp nhân viên UBND quận 7 nghi mắc COVID-19, ngành y tế TPHCM đã phối hợp UBND quận 7 nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương truy vết và bước đầu đã xác định được 51 trường hợp tiếp xúc. Sau đó, UBND quận 7 đã tạm dừng mọi hoạt động để tiến hành xử lý phòng chống dịch.

Tất cả cán bộ công chức đang làm việc tại UBND được cách ly tạm thời tại trụ sở, những người đang làm việc tại nhà theo chế độ giãn cách thực hiện cách ly tạm thời tại nhà và thực hiện khai báo y tế địa phương nơi cư trú.

Cơ quan y tế đã thực hiện điều tra, truy vết, trích xuất camera, qua đó xác định được 51 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm nêu trên. Hiện, Trung tâm Y tế quận 7 đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ công chức của UBND quận 7.

Theo HCDC, nhân viên nghi mắc COVID-19 này sống chung với gia đình gồm 6 người tại quận 7. Ngày 15/6, hai người thân sống trong gia đình đi khám bệnh tại Bệnh viện quận 7, được phân luồng khám sàng lọc và có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sáng 16/6, 2 người này có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Khi người nhà có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, nữ nhân viên này cũng được lấy mẫu xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính. Đến ngày 16/6, xét nghiệm khẳng định của người này và những người khác sống chung trong gia đình đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. (Duy Quang)

TPHCM: Chuẩn bị tập huấn cho chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19

Ngày 18/6, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị y tế khẩn trương cử lực lượng để tổ chức các đội tham gia tiêm vắc-xin COVID-19.

Theo Sở Y tế TP, nhằm đảm bảo năng lực tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của ngành y tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân Thành phố, Sở đề nghị tất cả các cơ sở tiêm chủng khẩn trương cử lực lượng tham gia các đội tiệm vắc-xin phòng COVID-19.

Theo đó, mỗi đội tiêm gồm ít nhất 5 nhân sự có trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân sự tiêm vắc-xin, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm.

Ngoài ra, các đơn vị này cử thêm lực lượng hỗ trợ công tác hành chính để tiếp nhận, lập danh sách đối tượng tiêm, nhập liệu thông tin, cấp giấy xác nhận...

“Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên. Nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp y học hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên” – Sở Y tế lưu ý.

Hiện tại, có 547 đơn vị chia thành 1.032 đội tiêm với 5.160 nhân viên y tế tham gia tập huấn, gồm các trung tâm y tế lập 29 đơn vị, mỗi đơn vị có 2 đội tiêm; 26 đơn vị thuộc các bệnh viện đa khoa tư nhân, mỗi đơn vị chia 3 đội tiêm... Các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế đóng tại TPHCM cũng tham gia chiến dịch, gồm 10 đơn vị, mỗi đơn vị chia thành 6 đội tiêm.

Chiều mai ngày 19/6, Sở sẽ tiến hành tập huấn tiêm vắc-xin COVID-19 cho đội ngũ y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Sở Y tế TPHCM thông tin.

Chủ trì tập huấn đội ngũ triển khai tiêm chủng là Phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế, Đại học Y dược TPHCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM. Buổi tập huấn sẽ được trực tuyến từ Trung tâm Điều hành Thông minh của Sở Y tế kết nối với các đơn vị.

Đầu cầu chính Sở Y tế sẽ có lãnh đạo Phòng Nghiệp Vụ Y và giảng viên Đại học Y dược TPHCM. Nội dung buổi tập huấn được truyền trực tuyến qua YouTube. Các nội dung trong buổi tập huấn gồm có: Kỹ thuật tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19, khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, xử trí phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19.

Trước đó, 836.000 liều vắc-xin COVID-19 đã nhập kho Viện Pasteur TPHCM. Đây là phần trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được dành cho Thành phố tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca COVID-19 từ ngày 18/5. (Uyên Phương)

Nghệ An: Sẽ phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 toàn thành phố Vinh

Ngày 18/6, UBND tỉnh Nghệ An đã ra công văn hoả tốc ban hành kế hoạch phun khử khuẩn toàn thành phố Vinh để phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 14/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng đã ghi nhận 20 ca nhiễm. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, xã hội” và bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch phun hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Vinh.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm khử khuẩn diện rộng môi trường, trụ sở làm việc, bệnh viện, các khu vực công cộng, các trục đường giao thông chính, nơi tập trung đông người nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thời gian thực hiện 3 ngày (từ ngày 19/6 đến ngày 21/6), sử dụng hoá chất phun khử khuẩn có chứa Clo hoạt tính.

Các địa điểm phun: Trụ sở Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các Sở, ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh. Các khu vực công cộng, các tụ điểm tập trung đông người, chợ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn và trường học,… Các trục đường giao thông chính.

Các lực lượng tiến hành khử khuẩn bao gồm phòng Hoá học Quân khu 4 (25 đồng chí), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (20 đồng chí), lực lượng Quân sự, Công an và Dân quân tự vệ.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức phun hoá chất khử khuẩn an toàn, đúng quy trình, không làm lây lan dịch bệnh, bảo đảm đạt hiệu quả cao. Phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.(Thu Hiền - Cảnh Huệ)

Bạc Liêu: BN 6572 xuất viện, 129 người là F1 kết thúc cách ly

Ngày 18/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu trao giấy xuất viện cho BN6572,

đây là trường hợp nhiễm SARS- CoV- 2 đầu tiên được ghi nhận trong cộng đồng tại Bạc Liêu, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu từ 28/5 đến 18/6.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 5 lần âm tính và 2 lần dương tính SARS- CoV- 2. Trong đó, có 4 lần âm tính với SARS- CoV- 2 liên tiếp từ ngày 7-17/6.

Trước đó, ngày 17/6/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu đã lấy mẫu xét nghiệm lần thứ tư cho 129 người là F1 của của BN6572 gồm thành phố Bạc Liêu 11 người, Vĩnh Lợi 3 người, Đông Hải 2 người, huyện Hòa Bình 113 người, cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và đã đủ thời gian hoàn thành cách ly tập trung (từ ngày 28/5/2021 đến ngày 18/6/2021).

Như báo Tiền Phong đã thông tin, từ 17/5 đến 21/5, BN6572 tiếp xúc với BN6427 ổ dịch hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP HCM.

Trưa 21/5, BN6572 đi xe khách xe khách Phương Trang BKS: 51B-31307 về Bạc Liêu. Lúc 13 giờ ngày 24/5, BN6572 đến công an huyện Hòa Bình làm căn cước công dân.

Sáng 28/5, người này nhận được thông tin BN6427 dương tính với SARS-CoV-2 nên gọi điện báo cho ngành y tế địa phương và được đưa đi cách ly.

Kết quả xét nghiệm vào 15 giờ cùng ngày cho thấy bệnh nhân dương tính, được xe chuyên dụng chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị.

Ngành y tế cũng nhanh chóng truy vết các F1 và F2 của bệnh nhân này và thiết lập vùng cách ly y tế tại khu vực thuộc xóm lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình (gồm 45 hộ dân với 130 nhân khẩu).

Cũng trong ngày 18/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bạc Liêu quyết định kết thúc thời gian cách ly tập trung của 129 F1 nêu trên, tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày và dỡ phong tỏa cách ly vùng tại ấp Xóm Lớn A, Xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) kể từ 00 h ngày 19/6/2021.

Riêng BN6572 đã hoàn thành việc cách ly điều trị bệnh Covid-19 từ ngày 18/6/2021, tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày.

BN6572 và 129 F1 thông báo cho cơ sở y tế để hướng dẫn và tư vấn kịp thời, đặc biệt cần phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế trong thời gian cách ly tại nhà. (Nguyễn Tiến Hưng)

Tiền Giang tạm đóng cửa các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy

Sở Y tế Tiền Giang vừa có công văn về việc tạm dừng hoạt động các phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy nhằm tránh lây lan dịch bệnh COVID -19 trong cộng đồng.

Theo đó, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Tiền Giang đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, có nhiều trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, rất khó kiểm soát, đặc biệt là người dân ở các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Trong bối cảnh dịch bệnh chung, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân có thể tiếp nhận người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 mà không có khả năng tự phát hiện được, vì hầu hết những người này chưa hoặc không có biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Thực tế, đã có trường hợp người nhiễm SARS-CoV-2 đến khám bệnh tại một phòng khám bệnh tư nhân, khiến cho phòng khám bị phong tỏa, đóng cửa. Nhiều người (cả trong lẫn ngoài phòng khám) bị đưa đi cách ly, gây xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Ngày 13/6, UBND huyện Cái Bè và UBND thị xã Cai Lậy đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới. Nhằm tránh lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, đồng thời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân cũng như nhân viên y tế, Sở Y tế Tiền Giang yêu cầu tất cả các phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân trên địa bàn huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy tạm ngừng hoạt động. Thời gian bắt đầu ngừng hoạt động từ 11 giờ ngày 18/6 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã còn lại, Sở Y tế yêu cầu tự rà soát, đánh giá về mức độ an toàn theo các tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành. Qua đó, Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở này tạm thời đóng cửa nếu như chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế Tiền Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế hoặc bộ phận tham mưu tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân trên địa bàn theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, ngày 17/6, có thêm 3 trường hợp ghi mắc COVID -19 trên địa bàn huyện Cai Lậy. 3 trường hợp này có liên quan ổ dịch ở xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy. Các trường hợp này đang được theo dõi, cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).

Tính đến nay, Tiền Giang có 52 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 11 ca dương tính được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (đã được điều trị khỏi); 41 ca mắc COVID -19 lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện 3 trường hợp nghi mắc COVID -19 nêu trên, ngành y tế đã truy vết được 26 F1 và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách khẩn trương, tích cực. (Nhật Huy)

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.