CẬP NHẬT COVID-19 NGÀY 28/5: Đưa 3.000 công nhân từ tâm dịch Việt Yên đi nơi khác cách ly

0:00 / 0:00
0:00
Xe cứu thương tập trung tại thôn Núi Hiểu để đưa công nhân đi nơi khác cách ly.
Xe cứu thương tập trung tại thôn Núi Hiểu để đưa công nhân đi nơi khác cách ly.
TPO - Có khoảng 3.000 công nhân đang thuê trọ tại thôn Núi Hiểu thuộc huyện Việt Yên được đi chuyển sang các huyện khác cách ly để giảm tải, giảm khả năng lây nhiễm COVID-19.

Sáng 28/5, ông Mai Sơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, việc di chuyển hàng ngàn công nhân này được thực hiện theo kế hoạch xây dựng trước đó. Có khoảng 3.000 công nhân đang trọ ở thôn Núi Hiểu sẽ đi các khu cách ly tại huyện Việt Yên và các huyện, thành phố.

Ông Sơn cho hay: “Trong đó công nhân là quê huyện nào sẽ được đưa về huyện đó cách ly; công nhân người Lục Ngạn được giao cho 3 đơn vị là TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, Yên Dũng đón giúp. Đây đều là những người xét nghiệm 2 lần âm tính”.

“Các huyện, TP phải chủ động phương tiện và cử cán bộ liên hệ với UBND huyện Việt Yên để khớp nối thời gian đón. Số công nhân này về sẽ cách ly tập trung tại huyện 14 ngày. Việc di chuyển một lúc nhiều người đi khỏi Núi Hiểu có thể khiến hiểu nhầm rằng chuyển bệnh nhân hoặc F1 dẫn đến hoang mang” - ông Mai Sơn nhấn mạnh.

CẬP NHẬT COVID-19 NGÀY 28/5: Đưa 3.000 công nhân từ tâm dịch Việt Yên đi nơi khác cách ly ảnh 1

Lực lượng chức năng đến tận nhà dân ở Núi Hiểu để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Trong đêm qua, hàng chục xe y tế đã tiến hành di chuyên công nhân trọ tại khu vực này sang các khu cách ly tập trung khác theo kế hoạch. Trong số đó, có hơn 300 trường hợp nghi nhiễm sau khi test nhanh nên sẽ cần phân loại rồi tiếp tục xét nghiệm, theo dõi y tế trước khi có kết luận chính xác.

Theo lãnh đạo UBND xã Quang Châu, địa phương này có khoảng 20.000 công nhân thuê trọ và tập trung đông tại thôn Núi Hiểu với khoảng 8.000 công nhân gồm 1.200 người người làm việc tại ổ dịch là Cty Hosiden. Toàn bộ công nhân của HOSIDEN đang trọ tại thôn Núi Hiểu đã được chuyển sang các khu tập trung khác vào ngày 25/5.

Tính đến sáng 28/5, toàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 1.678 ca mắc COVID-19, chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm của cả nước trong đợt bùng phát thứ 4 hiện nay. Các địa phương khác có số ca nhiễm cao là Bắc Ninh 676 trường hợp, Hà Nội 351 trường hợp.

Thái Nguyên: Kiểm soát chặt người ra vào tỉnh sau khi có ca mắc COVID-19

Ngay sau khi có thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xóm Đầm Danh, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người ra, vào tỉnh kể từ 00 giờ 00 ngày 27/5/2021.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người ra, vào tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu, công nhân lao động các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội và các đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn) thuộc vùng dịch tại các tỉnh, thành phố khác: Dừng việc di chuyển ra, vào tỉnh Thái Nguyên.

Ngược lại, người lao động của tỉnh Thái Nguyên đang làm việc tại các địa phương nêu trên ngừng di chuyển về tỉnh, ở lại địa phương nơi làm việc cho đến khi tình hình dịch bệnh tại các địa phương đó được kiểm soát và tỉnh có thông báo mới.

Chuyên gia, người quản lý làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Khuyến khích những người đang cư trú ở các địa phương khác (kể cả các địa phương không có dịch) đến tỉnh Thái Nguyên làm việc thì nghỉ lại tại Thái Nguyên cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tỉnh có chỉ đạo mới.

Trường hợp đặc biệt, các chuyên gia, người quản lý không thể ở lại tỉnh và hằng ngày ra, vào tỉnh Thái Nguyên thì phải có cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 và phải thực hiện xét nghiệm thường xuyên (03 ngày một lần). Đối với trường hợp hằng ngày không ra, vào tỉnh thì khi đi vào tỉnh Thái Nguyên yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 của đơn vị có thẩm quyền trong vòng 03 ngày trước khi vào tỉnh Thái Nguyên.

Đối với người lái xe và người trên xe tham gia vận chuyển, giao nhận hàng hóa, nguyên vật liệu… cho các doanh nghiệp: Yêu cầu bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 của đơn vị có thẩm quyền trong vòng 3 ngày trước khi vào tỉnh Thái Nguyên. Các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động giao, nhận hàng hóa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xuất hiện dịch bệnh phát sinh từ hoạt động này.

Đối với người hiện đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, các đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn) thuộc vùng có dịch tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác hạn chế vào và nghỉ lại tại tỉnh Thái Nguyên.

Đối với người của tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu hạn chế đi tới các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, các đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn) thuộc vùng có dịch tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Gỡ phong tỏa bệnh viên phổi Lạng Sơn

Bắt đầu từ 15h ngày 27/5, bệnh viện phổi Lạng Sơn chính thức được gỡ phong tỏa sau 21 ngày tích cực phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết định do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Dương Xuân Huyên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn, ký .

Ngay trong chiều, tối 27/5, một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ, y bác sĩ làm việc đã được ra, vào bệnh viện. Riêng những trường hợp F1 phải tự theo dõi y tế tại nhà trong 7 ngày.

Sáng 28/5, Bệnh viện tiếp tục thực tiếp nhận bệnh nhân vào khám và điều trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh nhân và người nhà đến khám, chữa, thăm nuôi bệnh nhân phải tuân thủ thông điệp 5K.

Trước đó, Bệnh viện phổi Lạng Sơn đã được phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ bệnh viện do có liên quan đến trường hợp BN3090 mắc COVID-19 điều trị tại đơn vị (BN3090 đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được điều trị khỏi). Bệnh viện đã thực hiện cách ly với 10 trường hợp F1 và 343 trường hợp F2 là cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Trong 21 ngày thực hiện cách ly y tế, đời sống của cán bộ y tế và Nhân dân tại đơn vị luôn ổn định, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không phát sinh ca mắc COVID-19 mới. Tất cả các trường hợp F1, F2 đều được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đúng quy định và đều cho kết quả âm tính.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, trong ngày 27/5, địa phương ghi nhận thêm 8 ca dương tính vi rút SARS-CoV-2. Trong số này có 5 trường hợp đang làm việc tại ngân hàng Liên Việt, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, 2 trường hợp là người nhà của các cán bộ trên và 1 trường hợp tại Kho KV1, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Từ đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn ghi nhận 53 ca bệnh COVID-19, trong đó riêng huyện Hữu Lũng có 46 ca, huyện Chi Lăng có 05 ca, huyện Tràng Định có 01 ca và Bệnh viện Phổi Lạng Sơn có 01 ca.

Khẩn: TPHCM yêu cầu khai báo y tế đối với người mua thuốc

Ngày 28/5, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM ký công văn khẩn gửi Phòng Y tế TP Thủ Đức và Phòng y tế quận huyện liên quan về việc khai báo y tế đối với người mua thuốc điều trị triệu chứng liên quan đường hô hấp.

Theo ông Nam, hiện nay TPHCM đã phát hiện một số ca mắc và ca nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, việc tăng cường phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là rất cần thiết.

Cụ thể, Sở Y tế TP đề nghị Phòng y tế TP Thủ Đức và Phòng y tế quận, huyện phối hợp với Trung tâm y tế thống kê các nhà thuốc trên địa bàn có liên quan đến các ca nghi nhiễm và các ca F1 (nếu có).

Kiểm tra việc thực hiện khai báo y tế, liên thông dữ liệu kinh doanh thuốc của nhà thuốc đối với các ca nghi nhiễm nêu trên. Đồng thời, báo cáo về Sở Y tế các trường hợp không thực hiện hoặc vi phạm quy định để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các phòng y tế tiếp tục hướng dẫn các nhà thuốc về việc khai báo y tế nếu có người mua các thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở.

Trước đó, ngày 29/4 Sở Y tế TP đã có công văn gửi các phòng y tế về việc đề nghị nhà thuốc cung cấp thông tin liên quan bệnh hô hấp để phòng chống COVID-19. Ngày 17/5, Sở Y tế có công văn đề nghị khai báo y tế đối với người mua thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đường hô hấp.

4 bệnh nhân COVID-19 tại Huế được công bố khỏi bệnh

Trưa 28/5, thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2) cho biết, vừa công bố khỏi bệnh đối với 4 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại đây hơn nửa tháng qua tại cơ sở y tế này.

Các bệnh nhân khỏi bệnh bao gồm V.L.P.A (23 tuổi, mã bệnh nhân 3211), H.T.N.C, (24 tuổi, BN 3262), T.T.Y.N (24 tuổi, BN 3268) và V.T.C (58 tuổi, BN 3660).

Những người này đều xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và đã hoàn thành quá trình cách ly điều trị tại cơ sở y tế hơn 14 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 4-5 lần.

Sau khi xuất viện, 4 bệnh nhân kể trên trở về nhà thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân phải tuân thủ làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR vào ngày thứ 7 và thứ 14 sau khi ra viện.

Theo TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, đây là các trường hợp mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ đi về từ TP Đà Nẵng, trong đó, có 3 người liên quan đến chùm ca bệnh tại thẩm mỹ viện AMIDA (Đà Nẵng).

Hiện tại, tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) chỉ còn một bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị (BN 3535). Bệnh nhân này dù có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng chưa đủ điều kiện để công bố khỏi bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Theo TS Nguyễn Thanh Xuân, những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh và ra viện phải tuân thủ cách ly tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày. Những người này phải đo thân nhiệt 2 lần/ngày, nếu có dấu hiệu bất thường, thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo kế tiếp nhau… thì phải đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra.

Bộ Y tế hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp

Ngày 28/5, Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn gửi các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

Công văn nêu rõ, thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 24/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn COVID-19 tại các khu công nghiệp; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Bộ Y tế đã ban hành.

Cụ thể: Công văn số 1096/BYT-MT ngày 23/02/2021, Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày 05/5/2021 và Công văn số 4150/BYT-MT ngày 21/5/2021.

CSSXKD, KCN phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá được quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá".

Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá để xem xét quyết định cho phép bộ phận, dây chuyền, phân xưởng của CSSXKD hoặc toàn bộ CSSXKD có được tiếp tục sản xuất hoặc dừng sản xuất để khắc phục đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh: kiểm tra, giám sát, đôn đốc các CSSXKD trên địa bàn tiếp tục đánh giá an toàn COVID-19 và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19.

Yêu cầu các CSSXKD, KCN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan và báo cáo kết quả cho Sở Y tế; Các đối tượng phải xét nghiệm hằng tuần bao gồm:

- Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho CSSXKD trong khu công nghiệp như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc ...

- Xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại CSSXKD, khu công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ.

Quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao. Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (người cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển vật tư, hàng hóa...).

Yêu cầu các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm giãn cách sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K.

Khi có ca mắc COVID-19 tại CSSXKD, KCN, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.

Thí điểm đối với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang: Khi số lượng các trường hợp FI vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân);

Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.