Cập nhật COVID-19: Bộ Y tế tung lực lượng 'chưa từng có' chi viện vùng dịch miền Trung

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Trong những ngày qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia thống nhất nhận định tình hình tại đây đang được kiểm soát, nhưng dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng qua xét nghiệm, nhiều khả năng sẽ còn các ca bệnh nhân nặng tử vong.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh Quảng Nam, tới đây Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.

Ngoài các lực lượng y bác sĩ từ các bệnh viện lớn như BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh… các địa phương khác như Hải Phòng, Bình Định cũng cử bác sĩ tăng cường cho miền trung ruột thịt.

Theo đó, ngành y tế Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm 9 Bác sĩ, 24 điều dưỡng là những cán bộ có trình độ kinh nghiệm thuộc 3 chuyên ngành Nội hộ hấp, Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của 3 Bệnh viện Việt Tiệp, Kiến An, phụ sản đi chi viện cho Thành phố Đà Nẵng. Hải Phòng hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ và 200.000 khẩu trang y tế. Đoàn sẽ lên đường vào ngày 8/8/2020.

Sở Y tế tỉnh Bình Định cử 25 nhân viên y tế để hỗ trợ thành phố Đà Nẵng. Đoàn lên đường ngày 6/8/2020

Hiện việc lắp đặt Bệnh viện Dã chiến được đặt tại cung thể theo Tiên Sơn, Đà Nẵng với quy mô 700 giường đã cơ bản hoàn thành.

Việc chuẩn bị mọi phương tiện kỹ thuật, nhân lực để đón các bệnh nhân nặng chuyển sang BV Phổi Đà Nẵng cũng đã được gấp rút khẩn trương và hoàn thiện.

- Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ cho Đà Nẵng thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo tại TTYT huyện Hoà Vang. Đơn vị này cũng sẵn sàng đón bệnh nhân. (Quảng An)

6% nhân viên y tế mắc Covid-19, lo ngại thiếu cán bộ y tế tuyến đầu

Trong đợt dịch COVID-19 thứ 2 này, Việt Nam đã có 14 cán bộ y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 trong tổng số 222 người mới mắc, chiếm tỷ lệ 6%. Đây là tỷ lệ tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng thế giới (khoảng 7%).

Đây là thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19" do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức sáng 5-8.

Theo ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, tỷ lệ 6% cán bộ y tế mắc Covid-19 làm chúng ta phải quan tâm, vì một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không có người phục vụ bệnh nhân. Chính bản thân họ cũng mang nguồn bệnh phục vụ bệnh nhân tăng nguy cơ cho bệnh nhân.

“Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Việc chính các bác sĩ, các điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn.

Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ”, ông Mục chia sẻ

Dịch Covid-19 đợt 2 ghi nhận hơn 200 người dương tính nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế đã điều những cán bộ giỏi đến Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cũng đã kêu gọi những tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Định, Bình Thuận… gửi các bác sĩ đến hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng.

Việt Nam đang thiếu hụt cán bộ y tế, số cán bộ y tế thấp hơn một số nước trong khu vực. Nếu kịch bản có thêm những ca bệnh, sẽ xuất hiện tình huống thiếu hụt nguồn nhân lực y tế.

“Một trong những điều cần quan tâm là chuẩn bị một nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu, vì các bệnh nhân đang rất cần lực lượng này”, ThS Phạm Đức Mục nói.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: "Chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh với nhiều thách thức, phức tạp, diễn biến khó lường. Dù vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của cơ quan y tế để chúng ta có được những kịch bản tốt sát thực với diễn biến của từng địa phương. Với ngành y tế, chúng ta vừa được Thủ tướng gửi thư động viên, các cán bộ y tế càng phải quyết tâm, cần phải bình tĩnh, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế. Để kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt phân luồng cách ly, đặc biệt là thực hiện xét nghiệm. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt khó thở cần tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay, đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến những người cao tuổi, người có bệnh nền như đang phải chạy thận, tim mạch, tiểu đường,… vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất". (Lê Vũ)

Bình Định cử 25 y, bác sĩ hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch COVID-19

Ngày 5/8, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã thành lập đoàn công tác gồm 25 y, bác sĩ để hỗ trợ TP Đà Nẵng chống dịch COVID-19. Hiện, Sở Y tế Bình Định đang liên hệ Sở Y tế Đà Nẵng có kế hoạch tiếp nhận đoàn và triển khai chống dịch tại Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 4/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký văn bản gửi TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định về việc hỗ trợ nhân lực y tế phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ông Thơ cho biết: Những ngày qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế) và các tổ chức, cá nhân đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng TP Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp phòng, chống, xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó bao gồm việc thiết lập nhiều khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến.

Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân mắc COVID-19 nói riêng, nhất là tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trong bối cảnh nêu trên, nhằm giúp TP Đà Nẵng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, góp phần vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước, UBND TP  Đà Nẵng rất mong nhận được sự hỗ trợ điều phối đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế từ các tỉnh, TP  bạn xung phong, tình nguyện đến TP  Đà Nẵng cùng quyết tâm khống chế dịch bệnh đợt này. (Trương Định)

Trao tặng 500 máy thở hỗ trợ chống dịch COVID-19

Ngày 5/8, tại Văn phòng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trao tặng 500 máy thở MV20 cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế. Tổng giá trị số máy thở này lên đến 120 tỷ đồng.

Máy thở MV20 hiện là sản phẩm mới nhất được thiết kế phù hợp với đặc trưng y tế của Việt Nam, cũng như xuất khẩu không giới hạn ra nước ngoài. Ngày 27/07/2020, Bộ Y tế đã cấp Quyết định đăng ký lưu hành số 3335/QĐ-BYT cho máy thở ELICIAE MV20 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, ngày 30/07/2020, Bộ Y tế Việt Nam cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với model máy thở ELICIAE MV20.

Tại sự kiện trao tặng 500 máy thở MV20, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam – ông Trần Thanh Mẫn và Quyền bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS. Nguyễn Thanh Long cho biết máy thở MV20 cần thiết cho giai đoạn ngành Y tế đang dồn hết sức chữa trị cho các bệnh nhân dương tính với bệnh viêm phổi cấp do COVID-19, hỗ trợ bệnh nhân nguy kịch, thở máy xâm nhập, điều trị tích cực ICU, ECMO.

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang - đại diện nhà tài trợ cho biết: Các chuyên gia của công ty Metran Nhật Bản, Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ chuyển máy thở đến các khu vực, chuyển giao và phối hợp Bộ Y tế hỗ trợ hướng dẫn sử dụng. Đề xuất Bộ Y tế sẽ hỗ trợ cung cấp máy, hướng dẫn cách sử dụng, lập phương án đối phó cho các vấn đề máy thở trên số lượng lớn bệnh nhân. Công ty sản xuất máy thở cũng sẽ tổ chức huấn luyện sử dụng máy cho đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, thông qua các video đơn giản hướng dẫn để mọi nơi đều có thể truy cập kèm theo đường dây nóng 24/24 hỗ trợ kịp thời các bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình thiết lập và sử dụng máy thở Eliciae MV20. (Thuận Phương)




MỚI - NÓNG