> Kiên Giang xây cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á
> Lắp đặt tuyến cáp điện ngầm 110 KV xuyên biển
Hạng mục trạm và đường dây nối tuyến cáp ngầm tiếp bờ trên đảo Phú Quốc đã hoàn thành. Ảnh: Đại Dương. |
Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc bao gồm một tuyến cáp ngầm điện áp 110kV dưới đáy biển Hà Tiên - Phú Quốc và các hạng mục công trình đồng bộ là đường dây và trạm biến áp. Cáp ngầm dài hơn 55,8 km, là tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Dự án do Tổng Cty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư, có tổng vốn 2.336 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Thái, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng EVN SPC, cho biết, việc xây dựng các công trình đồng bộ đã hoàn tất. Riêng tuyến cáp ngầm, dự kiến phần lắp đặt dưới biển sẽ kết thúc vào ngày 18/12 và toàn bộ hạng mục này sẽ hoàn thành vào 13/1/2014. Sau đó là thời gian kiểm tra, thí nghiệm để chuẩn bị đóng điện chính thức trước 30/4/2014.
Khát điện
Điện cho Phú Quốc hiện đến từ nguồn máy phát diesel và chỉ cung cấp tối đa là 16.764 hộ, trong tổng số trên 22.000 hộ dân trên đảo. Một số xã như Gành Dầu, Hòa Thơm và nhiều vùng khác hoàn toàn không có điện lưới.
Người dân tự dùng máy phát hoặc mua điện do cơ sở tư nhân sản xuất với giá rất cao: 25.000 đồng/kWh. Gần 800 hộ dân xã Gành Dầu đều phải sử dụng điện ở mức giá này. Gia đình bà Huỳnh Thị Hồng Cam ở ấp Gành Dầu chỉ có 3 đèn compact tiết kiệm điện, một tivi và một môtơ bơm nước sinh hoạt.
Kỳ vọng đến năm 2015-2016, lượng phòng lưu trú tại Phú Quốc sẽ tăng gấp đôi so với con số 3.000 phòng hiện tại, đảm bảo đón 5-7 triệu lượt khách đến đảo năm 2020. |
“Môtơ lâu lâu mới lấy ra xài, quạt chỉ bật khi nào thật nóng, tivi cũng chỉ xem lúc chập tối và 7 giờ đã tắt đèn đi ngủ, nhưng tháng nào tiền điện cũng khoảng 1 triệu đồng”, bà Cam nói. Dù sử dụng hết sức tiết kiệm, nhưng trước đây, mỗi tháng gia đình bà Trần Thị Cúc (ấp Gành Dầu) phải trả trên dưới 2,2 triệu đồng tiền điện.
Các doanh nghiệp ở Phú Quốc cũng đang lao đao trong cơn khát điện. Giá điện kinh doanh tại Phú Quốc hiện ở mức gần 10.000 đồng/kWh (bao gồm VAT), cao gấp nhiều lần giá bán điện cùng lĩnh vực hoạt động trong đất liền.
Ông Trần Ngọc Ngà, Phó giám đốc nhà hàng khách sạn Thiên Hải Sơn, cho biết, mỗi tháng tiền điện (do ngành điện cung cấp và máy phát tự có) Thiên Hải Sơn phải trả khoảng 500 triệu đồng vào lúc thấp điểm và 800 triệu đồng lúc cao điểm; chi phí tiền điện chiếm đến 42% doanh thu của doanh nghiệp này. Do đó, giá phòng và dịch vụ rất cao, dẫn đến công suất phòng bình quân chỉ đạt 74%. Đấy là chưa kể điện “phập phù”, cắt cúp liên tục khiến du khách than phiền.
Chủ hãng nước mắm Khỏa Hoàn, bà Hồ Kim Liên chia sẻ, trung bình mỗi tháng cơ sở của bà tiêu thụ 7.000 kWh, tương đương số tiền 70-80 triệu đồng. Tuy nhiên, do điện thường xuyên bị cúp đột ngột nên trang thiết bị hỏng nhiều; nhiều công đoạn phải làm thủ công kém hiệu quả.
Cú hích đầu tư
Một thời gian khá dài, hoạt động đầu tư tại Phú Quốc rơi vào cảnh chợ chiều đìu hiu. “Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do thiếu điện nghiêm trọng”, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nói. Ông cho biết, hơn nửa trong số 82 dự án đầu tư được cấp phép tại Phú Quốc chưa hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, không khí ảm đạm dần qua đi. Với công suất tăng gần 10 lần so với hiện nay, nguồn điện quốc gia cung cấp cho Phú Quốc qua tuyến cáp ngầm sẽ đảm bảo đủ điện cho sự phát triển tại hòn đảo này đến năm 2030. “Các nhà đầu tư đang hết sức phấn khởi bởi Phú Quốc sắp có điện lưới quốc gia”, ông Hưng nói.
Theo ông Lê Xuân Thái, việc đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc đảm bảo năng lực cung cấp điện ổn định cho đảo trong bối cảnh nhu cầu tăng rất cao, trong khi nguồn phát diesel không đáp ứng được; đồng thời giảm được giá bán điện trên đảo từ mức bình quân 5.060 đồng/kWh về giá bình quân ở đất liền khoảng 1.508,85 đồng/kWh. Điều đó sẽ tạo cú hích lớn trong đầu tư trên đảo.
Với giá thành điện hiện hữu khoảng 6.895 đồng/kWh, trong khi giá bán 5.060 đồng/kWh, mỗi năm ngành điện phải bù lỗ trên dưới 150 tỷ đồng. Riêng năm 2013 bù lỗ 170 tỷ đồng.
Theo tính toán, nhu cầu điện cho Phú Quốc đến năm 2015 là 93.41MW, tương ứng điện thương phẩm 140 triệu kWh. Nếu tiếp tục sử dụng máy phát diesel, sẽ phải đầu tư các tổ máy phát mới có tổng công suất khả dụng trên 80MW. Với giá bán kể trên, năm 2015, ngành điện sẽ phải bù lỗ khoảng 350 tỷ đồng.