Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây phải thông xe trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải khẳng định, các dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022, không có trường hợp lùi thời gian.

Không lùi thời gian

Vừa qua ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng đoàn công tác đã có buổi giám sát việc thi công các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Buổi giám sát còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Lê Đình Thọ, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai, các nhà thầu thi công các tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Mai Sơn-Hòa Bình.

Theo đó, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bình Thuận là tỉnh có đường cao tốc tuyến Bắc-Nam phía Đông đi qua địa bàn dài nhất với 160,3 km; gồm 3 dự án thành phần đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.

Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây phải thông xe trong năm 2022 ảnh 1

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc tại UBND tỉnh Bình Thuận về thi công các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án gồm: hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, điện cao thế 110 kV...

Theo báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành. Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 22/7 đạt khoảng 26.000/57.000 tỷ đồng, tương đương 45,6%. Về công tác giải ngân vốn ngân sách, lũy kế đến thời điểm này đạt khoảng 39.000/78.000 tỷ đồng, tương đương 50,37% giá trị phần vốn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, các dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022, không có trường hợp lùi thời gian.

Theo ông Thọ, có thể hoàn thành thông xe kỹ thuật năm 2022, còn các chi tiết nhỏ hơn dời sang năm 2023. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không có tình trạng để đơn vị thi công cầm chừng.

Nhà thầu lo phá sản

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà thầu cho rằng thời gian qua giá nhiên vật liệu xây dựng biến động mạnh, gây khó khăn trong việc thi công. Chi phí thực tế thi công đội lên cao gấp nhiều lần so với chi phí trượt giá trong hợp đồng. Nếu kéo dài thêm, nhà thầu sẽ có nguy cơ phá sản…

Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương luôn tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật quy định để hỗ trợ tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam. Theo ông An, thời điểm một số dự án thành phần thiếu vật liệu đắp nền, HĐND tỉnh Bình Thuận đã chủ động tổ chức họp để kịp thời đưa các mỏ vào quy hoạch, cấp phép theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, kịp thời phục vụ thi công dự án.

Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây phải thông xe trong năm 2022 ảnh 2

Các dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác phối hợp giải phóng mặt bằng tại các tỉnh có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang triển khai thi công.

Theo ông Thanh, qua tổng hợp, hiện có khoảng 20 nhà thầu gửi đơn kiến nghị lùi thời gian kết thúc dự án. Một số nhà thầu thông tin đoạn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khả năng cao hoàn thành đúng tiến độ cuối năm 2022, riêng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết dự báo khó kịp về đích trong năm nay.

Ngoài lý do khách quan như ảnh hưởng dịch COVID-19, giá vật liệu xây dựng tăng, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng qua khảo sát trên toàn tuyến từ tỉnh Ninh Bình đến Bình Thuận vẫn còn công trường bỏ trống, lãng phí quỹ thời gian. Do đó, ông Thanh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ năng lực từng nhà thầu nhằm chấn chỉnh, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan trước khi báo cáo các kiến nghị đến Quốc hội trong kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG