Cao tốc Bắc - Nam: Sẽ chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng

Tiến độ các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có thể bị kéo lùi vì mặt bằng, tín dụng và các quy định mới. (Trong ảnh: Các tuyến cao tốc do VEC quản lý)
Tiến độ các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có thể bị kéo lùi vì mặt bằng, tín dụng và các quy định mới. (Trong ảnh: Các tuyến cao tốc do VEC quản lý)
TP - Đã hơn 3 tháng kể từ khi các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bắt đầu chấm sơ tuyển tìm nhà đầu tư trong nước cho 8 đoạn BOT đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tới nay vẫn chưa có kết quả sơ tuyển nào được công bố. Trong khi đó, phần việc giải phóng mặt bằng cũng khiến Bộ GTVT lo lắng, vì có thể kéo lùi tiến độ dự án trọng điểm này.  

Ban đầu, với việc chào thầu quốc tế, Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công 8 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam vào nửa đầu năm 2020. Sau khi hủy thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu tìm nhà đầu tư trong nước, tiến độ khởi công được lùi tới nửa cuối năm nay. Tới nay, đã gần qua 2 tháng, những bước đầu tiên của dự án vẫn chưa xong.

Tháng 11/2019, các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) bắt đầu sơ tuyển 32 nhà đầu tư cho 8 dự án BOT. Mục tiêu của Bộ GTVT đưa ra là cuối tháng 2/2020, sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu; tháng 4/2020 đóng thầu và công bố kết quả trúng thầu vào tháng 5; đàm phán ký hợp đồng BOT vào tháng 7 để tháng 8/2020 khởi công. Tuy nhiên tới nay, danh sách các nhà thầu vượt qua “vòng loại” vẫn chưa được công bố.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc sơ tuyển mất nhiều thời gian hơn dự kiến do dự án cao tốc Bắc - Nam có thêm tổ liên ngành. Sau khi các ban quản lý dự án xét sơ tuyển xong sẽ được trình Bộ GTVT, bộ gửi hồ sơ cho tổ liên ngành gồm 21 thành viên lấy ý kiến. Khi bước này được thông qua, Bộ GTVT mới phê duyệt kết quả sơ tuyển để bước vào vòng đấu thầu (thêm điều kiện mặt bằng).

Một vấn đề nữa là tiến độ cao tốc Bắc - Nam còn có thể gặp trở ngại từ khâu giải phóng mặt bằng. Theo quy định hiện hành, Bộ GTVT chỉ được đưa dự án ra đấu thầu khi mặt bằng sạch ít nhất đạt 70%. Kể cả đã xong sơ tuyển nhà đầu tư, thời điểm hiện tại, Bộ GTVT cũng chưa thể đấu thầu được, vì mặt bằng vẫn còn vướng.

Theo báo cáo của 13 địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua, tới tháng 2/2020, các tỉnh mới bàn giao được 166/653km mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Trong đó tiến độ giải phóng và bàn giao mặt bằng chậm nhất có lẽ thuộc đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, mới giải phóng được 9,5/78,5km. Theo kế hoạch, các địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong quý II/2020.Với tốc độ trên, công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ.

Một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết vướng mắc, đảm bảo khởi công trong năm nay, mỗi tháng Bộ GTVT họp ít nhất 1 lần. Cuộc họp do Bộ trưởng GTVT chủ trì. Vị lãnh đạo Bộ GTVT này tỏ ra lo ngại về tiến độ giải phóng mặt bằng.Về vấn đề nguồn tín dụng cho các nhà đầu tư, được biết, phía ngân hàng đã có giải pháp, nhưng “chưa thể tiết lộ”.

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT) cho biết, đơn vị được giao 2 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây). Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GTVT kết quả sơ tuyển tìm nhà đầu tư, giờ đợi bộ thẩm định phê duyệt. Hai dự án này đã có gần 50% mặt bằng sạch. Ông Sơn bày tỏ hy vọng khi có kết quả sơ tuyển sẽ có đủ mặt bằng sạch (khoảng 70%) để tổ chức đấu thầu.

Đại diện chủ đầu tư này cũng chưa thể nói trước liệu khi nào có thể khởi công 2 dự án trên, điều này phụ thuộc vào kết quả đấu thầu và nguồn vốn vay nhà đầu tư thu xếp được với ngân hàng. Còn về năng lực, các nhà đầu tư trong nước đã liên danh, liên kết nên đây không còn là vấn đề trở ngại.

Các đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chủ đầu tư kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây. Trong đó, tổng vốn nhà nước tham gia hơn 36.532 tỷ đồng (chủ yếu cho giải phóng mặt bằng), tổng vốn nhà đầu tư phải huy động hơn 51.702 tỷ đồng (chủ yếu đi vay).

MỚI - NÓNG