Cao thủ cơ khí dương danh trà Việt

Anh Phạm Vũ Khánh, người sáng lập thương hiệu trà Shanam
Anh Phạm Vũ Khánh, người sáng lập thương hiệu trà Shanam
TP - Từng được ví là “bàn tay vàng” trong Công ty cổ phần cơ khí ô tô 3-2, được Toyota Việt Nam mời chào làm việc với mức lương 3.500 USD vào thời điểm năm 2005, không ai nghĩ Phạm Vũ Khánh lại chuyển nghề sang làm trà. Xa nhà, bỏ phố, khoác ba lô lên núi nghiên cứu cách làm trà, sau hơn mười năm, gặp anh ở Tà Xùa có người còn nhầm “ông Khánh” là người Mông.

Ghi dấu trà Shan vào bản đồ trà thế giới

Năm ngoái, ngành trà Việt có một thành tích rất quan trọng: Giải Bạc Châu Á Thái Bình Dương (không có giải Vàng) tổ chức tại Trung Quốc cho sản phẩm Bạch trà thiên của thương hiệu trà Shanam. Giới nghiện trà trong nước gần như bị rúng động bởi đây là một giải thưởng rất quan trọng và có uy tín với ban giám khảo toàn là những “ông lớn” về trà của thế giới.

Giải thưởng về đến Việt Nam khiêm tốn đứng trong một bảng tin nội bộ nào đó, thế nhưng, người làm ra sản phẩm này trước đó cả chục năm đã vượt núi băng đèo để đi tìm vùng nguyên liệu cho Bạch trà thiên.

Ông chủ thương hiệu trà Shanam, Phạm Vũ Khánh (sinh năm 1972) kể rằng: “Để có được một sản phẩm trà Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi thì tiền bỏ ra 1 đồng nhưng công sức phải bỏ ra 10 đồng”. Khi anh quyết định chọn Tà Xùa (Sơn La) làm vùng nguyên liệu chè, nơi đây chưa có đường, chưa có điện. Có những chặng đường chỉ có 20km nhưng phải đi mất hơn 6 tiếng đồng hồ. Cây chè mọc trên núi cao trung bình 1.600 mét được người dân coi như một loại cây rừng, trời lạnh chặt về làm củi đốt, thiếu đói thì chặt chè để trồng ngô.

Việc đầu tiên anh Khánh làm khi đến đây là học tiếng Mông. Dân Tà Xùa chủ yếu là người Mông, và bởi đường sá cách biệt, rất ít người có thể nói tốt tiếng phổ thông. Lúc ấy cũng chưa có người dân bản địa nào tin “thằng người Kinh” có thể mang lại lợi ích kinh tế cho mình.

Không có nhiều tiền, cũng không có bí quyết gia truyền, anh Khánh dựa vào kinh nghiệm chế biến chè của những người Mông bản địa và kiến thức cơ khí độc đáo của mình để làm ra những cái máy sao, ép trà có một không hai. Một nhà máy sản xuất trà quy mô nhỏ được xây dựng ngay ở trung tâm Tà Xùa. Ở đây, không thể không kể đến sự ủng hộ toàn tâm toàn ý và kiến thức về trà được tôi luyện trong hơn chục năm làm trà xuất khẩu của chị Thắm, vợ anh. Hai người phu xướng phụ tùy, sau khi đi đi về về Tà Xùa - Hà Nội quãng đường cỡ đủ một vòng trái đất, họ đã làm ra loại trà thuyết phục được cả những giám khảo khó tính nhất thế giới.

Cao thủ cơ khí

Khi giới thiệu về Phạm Vũ Khánh, bạn anh rào trước với chúng tôi: Dị vô cùng!

Có bằng kỹ sư cơ khí ô tô, lại từng du học ở Nga về, nhưng anh giấu tiệt bằng khi xin vào Công ty cổ phần cơ khí ô tô 3-2. Công việc bắt đầu của “du học sinh Khánh” khi đó là kéo xe bò chở nguyên, phế liệu. Thấy “thằng bé” nhanh nhẹn, người ta phân cho anh những việc khó hơn, sau mấy tháng, Khánh mới được làm công việc đúng với chuyên môn của mình. Khi này, anh chìa bằng ra khiến cả Ban Giám đốc dở khóc dở cười.

Ở Công ty 3-2 Khánh nhanh chóng trở thành một cao thủ về chế tạo, lắp ráp. Từ một công nhân cơ khí, anh thăng tiến theo đường thẳng đứng, trở thành tổ trưởng, rồi lên đốc công, quản đốc xí nghiệp, được cấp trên quy hoạch vào đội ngũ cán bộ nguồn. Hệ lụy chính là những công việc ngoài chuyên môn nhiều hơn và nó ăn mòn dần đam mê sáng tạo của anh.

Năm 2003, Khánh nhờ vợ viết đơn xin nghỉ việc, trình lên trên bị xé ngay. Cấp trên vừa muốn giữ nhân tài, lại vừa lo anh sang công ty khác bán công nghệ. Dằng dai mãi đến năm 2005, mẹ bị tai biến, anh quyết tâm bỏ việc. Anh dắt vợ đến công ty, lúc này Tổng giám đốc chỉ vào cái ghế của mình bảo anh: Ở đây, trừ cái ghế này chưa phải của ông, còn bầu trời này là của ông!

Sự biệt đãi ấy cũng không giữ chân được con người ưa tự do, không muốn bị trói buộc. Anh về nhà, quyết định chuyển sang làm trà xuất khẩu theo như mong muốn của bố vợ - một doanh nhân xuất khẩu trà có tiếng. Phải nói thêm, khi bước vào ngành trà, Khánh trà (nickname nổi tiếng sau này) thậm chí còn chưa biết uống trà “loại nào cũng như nhau, đăng đắng, chan chát”.

Khi đó, anh cầm theo 5 triệu đồng vợ đưa, lên Yên Châu nằm vùng, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, thu hái và chế biến chè với người Thái bản địa. Khi đó, trà của nhà anh đã được lòng tất cả bạn bè. Đến mức năm 2018, anh bị nhồi máu, bạn vào, câu thăm hỏi lại biến thành: “Thằng Khánh mà chết, lấy đâu trà ngon để uống”. Cũng từ đó anh quyết tâm làm ra thứ trà tinh phẩm riêng, bởi nguyên liệu chè Việt Nam tốt như thế, cứ gì phải nhập trà thành phẩm của Đài Loan, Trung Quốc với giá cắt cổ?

Bạn của người Mông
Nhờ dự án trà của vợ chồng Khánh – Thắm, lãnh đạo địa phương đã đầu tư một con đường bê tông nối với bản Bẹ và lập hồ sơ xin công nhận 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở bản Bẹ là cây di sản.
Hiện nay, công nhân thu mua chè nguyên liệu, công nhân trong nhà máy và thậm chí nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở Tà Xùa đều là người Mông. Họ được trả lương, mua bảo hiểm, “được anh Khánh dạy chữ, dạy dùng máy vi tính, dạy nấu ăn”.

Trà xanh Shanam được tổ chức Tea Epicure của Mỹ xếp vào top 1 dòng trà xanh thế giới với số điểm 94/100 điểm. Đây là một tổ chức độc lập của Mỹ giới thiệu cho người tiêu dùng và yêu trà các nhà sản xuất trà uy tín của thế giới bằng cách đánh giá chất lượng khách quan các loại trà với thang điểm từ 50-100 điểm.

Cao thủ cơ khí dương danh trà Việt ảnh 1 Những công nhân người Mông làm việc trong nhà máy chè Shanam ở Tà Xùa
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.