Quảng Bình:

Cao su tiểu điền tả tơi vì mưa bão và rớt giá

Cao su tiểu điền tả tơi vì mưa bão và rớt giá
TP - Cứ mỗi lần bão đi qua, người dân trồng cao su lại đứng chết lặng trước vườn cao su gãy đổ ngổn ngang, mủ tràn trắng đất.

Ông Lê Thanh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Phú Định (Bố Trạch, Quảng Bình) cảm thán khi nghe chúng tôi lại hỏi chuyện về cây cao su -”Nữ hoàng vùng đồi”: Thời điểm này, người trồng cao su lại đang phải đương đầu với  mưa bão và rớt giá!

Thiệt hại nặng do bão

Huyện Bố Trạch được coi là đơn vị dẫn đầu về phát triển cây cao su tiểu điền. 4.000 ha cây cao su cho đến lúc này là con số ấn tượng và mơ ước của nhiều địa phương trên địa bàn.

Hơn tháng trước, trên vùng đồi miền tây một thời cằn khô này hàng trăm hộ dân đã thu lợi mỗi ngày trên 1 triệu đồng từ cây cao su.

Cũng chỉ mới hơn một năm lại đây người dân Phú Định, Tây Trạch, Cự Nẫm, Hòa Trạch...  mở mày, mở mặt nhờ cây cao su thì đến lúc này đây, họ lại đang cháy gan, cháy ruột vì nó.

Cơn bão số 5 năm ngoái đã triệt hạ gần 1/5 diện tích cây cao su ở vùng này, khiến cho nhiều hộ dân trắng tay làm lại từ đầu. Người trồng cao su chưa kịp định thần thì cơn bão số 7 năm nay ập đến. Đến những cánh rừng cao su sau bão mới tận thấy cảnh tan hoang.

Hàng trăm người ôm lấy gốc cao su đổ gãy, như mong chờ có một phép mầu dựng ngược chúng dậy. 600 ha cao su đi vào khai thác đổ gục hoàn toàn. Mất mát và thiệt hại ấy quá lớn với người dân nghèo vùng đồi, bền bỉ 7-8 năm trời chắt chiu gây dựng.

Rớt giá

Ông Bế Văn Mai, chủ trang trại 14 ha cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung nhớ lại: “Tôi đã có nhiều năm duyên nợ với cây cao su. Năm 2000, cao su rớt giá thê thảm. Người trồng cao su một phen điêu đứng. Sau cái đận ấy, giá cao su phục hồi trở lại và ổn định trong nhiều năm liền.

Đến thời điểm 7/2008, cao su đạt đỉnh về giá, 58 triệu đồng/ tấn mủ khô. Người trồng cao su mừng lắm. Không ngờ khi đạt đỉnh trên, giá cao su có biểu hiện giảm dần và đến giữa tháng 10/2008, giá cao su rớt theo phương thẳng đứng. Mỗi tấn mủ cao su mất trên 28 triệu đồng trong chớp mắt”.

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, việc rớt giá này do giá dầu giảm mạnh nên xu hướng sử dụng cao su nhân tạo tổng hợp từ dầu mỏ (chiếm khoảng 50%) tăng trở lại. Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ ô tô và săm lốp ô tô ở các nước phát triển.

Những hộ dân trồng cao su tiểu điền ở Bố Trạch hết sức lo lắng. Nếu như mới chỉ tháng trước, giá bán một kilôgam cao su mủ tươi (3 kg tươi được 1 kg khô) từ 12.000 -15.000 đồng, thì bây giờ chưa đến 5.000 đồng/kg.

Mỗi kilôgam đã mất trên 10.000 đồng. Thua thiệt đó tác động lớn đến đời sống của bà con trồng cao su. Với mức giá thấp, người dân nơi đây cũng vẫn phải bán vì không thì họ cũng chẳng còn gì để đắp đổi qua ngày và có thêm chút ít tái đầu tư vườn cao su sau bão...

Thân phận của cây cao su trở nên bấp bênh. Những nhà hoạch định chiến lược phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh này, sau dồn dập những cơn bão, chắc đã có cách nhìn tỉnh táo hơn về việc nhân rộng “Nữ hoàng vùng đồi” trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.