Cao Sơn - trên trời, dưới váy

Cao Sơn - trên trời, dưới váy
TP- Hà Nội 9 độ C, Cao Sơn thuộc Mường Khương- Lào Cai lạnh 6 độ C, chúng tôi lên đường trong cái lạnh cuối đông tê tái. Đường ngoằn ngoèo từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Mường Khương- nơi nhà thơ Pờ Sảo Mìn đang trú ngụ.
Cao Sơn - trên trời, dưới váy ảnh 1
Du khách nước ngoài mua thổ cẩm ở chợ Cốc Ly  

Từ đây lên Cao Sơn càng ngoằn ngoèo hơn. Chiếc xe 16 chỗ của Cty du lịch Phương Bắc lọt thỏm trong sương mù giăng kín lối, tầm nhìn chỉ còn 5m. Một bên vực sâu, một bên núi đá, con đường quá nhỏ và quá nhiều cua tay áo, gương cầu lúc có lúc không.

Cũng may, không có chiếc xe nào chạy ngược chiều, chỉ thi thoảng lơ thơ vài bóng người Mông, người Dao gùi ngô sắn hoặc địu con về nhà.

Ra khỏi xe, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, cái lạnh đã xộc tới len vào áo ấm. Nhưng là cái rét tinh khiết, không bụi, không khói ô-tô, không tiếng gầm gào của động cơ.

Nhà sàn của người Tày ở Bắc Hà được chủ nhân bê nguyên về dựng giữa Cao Sơn, chia làm 5 phòng ngủ. Bếp lửa đỏ đêm ngày cả tầng trên và tầng dưới. Chưa có điện, Cty du lịch Phương Bắc phải dùng máy phát, 8 giờ tối mới tạm dừng. Cả nhóm giơ tay lên bếp lửa cho ấm, sáng ra mũi đứa nào cũng đen thui.

Cơm rượu dọn ra bên bếp lửa.Mường Khương nổi tiếng về giống lợn đen thịt săn và mềm, lại có gạo Séng Cù (Séng là thơm, Cù là gạo) dẻo ngon. Rượu Cao Sơn ngâm bằng men lá, người Mông mang đến, chủ nhân chắt 100 lít, chọn 40 lít ngon nhất để khách dùng. Để bao lâu cũng được. Rét thế này, cần gì tủ lạnh. Cao Sơn sở hữu đặc sản chè đỏ, nước màu đỏ, rất thơm, pha 4-5 lần vẫn bện hương.

Cao Sơn - trên trời, dưới váy ảnh 2
Chợ Cốc Ly: Trên là trời, dưới là váy. Ảnh: Đ.T.T

Trước đó, tại thị trấn Mường Khương, ông Phạm Bá Uyên- Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết, Phương Bắc là doanh nghiệp lữ hành đầu tiên chọn Mường Khương làm du lịch. 40 ha rừng nguyên sinh đã được huyện giao cho Cty Phương Bắc.

Anh Nguyễn Văn Luật- Giám đốc Cty du lịch Phương Bắc nói: “Chúng tôi quyết tâm làm du lịch sạch ở Cao Sơn, từ thực phẩm đến cảnh quan, dịch vụ, không gây tổn hại tới đời sống thường nhật và tập quán của đồng bào người Mông, người Nùng, người Dao ở đây. Nếu không sạch, sẽ tự mình phá hỏng sản phẩm của mình”.

Từ nhà sàn Cao Sơn nơi bạn lưu trú, có thể đi bộ vào bản Ngải Phóng Chồ cách đó 3 cây số thăm vài ba gia đình người Mông Hoa. Gọi là Mông Hoa vì ở đây người dân mặc rất đẹp, hoa văn sặc sỡ, khác với người Mông Đen ở Sa Pa.

Sáng thứ Ba hàng tuần, có chợ phiên Cốc Ly của người Dao thuộc huyện Bắc Hà cách Cao Sơn 29km. Chợ mở từ sáng đến 3 giờ chiều thì vãn. Trên bờ dòng sông Chảy uốn lượn như dải lụa, đủ màu sắc hiện ra: quần áo của thiếu nữ Mông, phụ nữ Dao, hoa văn trên thổ cẩm treo dọc lối đi, cả trâu trắng lẫn trâu đen được buộc vào gốc cây bày bán trên mảnh đất bằng.

Lợn Mường Khương, lợn Bắc Hà tại Cốc Ly rất rẻ, nghe có tiếng chủ hàng thịt nói với khách: “Mày đưa 100 ngàn, tao cân cho mày 3 cân rưỡi. Được chưa?”. 

Cao Sơn - trên trời, dưới váy ảnh 3
Thiếu nữ Mông trên thung lũng mù sương   

Người làm du lịch lâu năm cũng tự thấy mình hồn nhiên khi bước vào phiên chợ, vì chợ Cốc Ly chưa biến thành nơi chụp ảnh và bán hàng rong như chợ Bắc Hà, hay Việt hóa như chợ Sa Pa. Người dân hồn hậu, có gì bán nấy, không mặc cả.

Anh chàng hướng dẫn viên tên Hoàng khuyên chúng tôi nên thưởng thức ẩm thực tại chợ, với đuôi bò, thịt trâu, pín bò, thịt lợn thái to. Nếu không hợp với thắng cố và thức ăn người Dao, thì gắng đi đến cuối chợ nơi có hàng ăn do người Kinh chế biến để nạp năng lượng cho hành trình mới: đi thuyền trên sông Chảy.

Sông Chảy bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Kiều Liên Ti phía tây bắc tỉnh Hà Giang chảy qua Lào Cai, Yên Bái rồi hoà vào sông Lô ở Đoan Hùng- Phú Thọ. Trong sách Kiến Văn tiểu lục, Lê Quý Đôn gọi nó là sông Lôi Hà. Sắp tới sông Chảy sẽ là nguồn nước cho thủy điện Bắc Hà.

Cùng với thuyền của lữ hành Phương Bắc, khách được dùng mảng (bè) kết bằng nứa, vầu để tự chèo. Khoác áo phao, bỏ máy ảnh vào hộp không thấm nước do guide (hướng dẫn viên) cung cấp, bạn ung dung cầm lấy cây sào đẩy mảng ra xa.

Khi mảng đông người, nhất thiết phải đi theo luồng lạch nếu không muốn bị mắc cạn hoặc chạm vào vách đá. Khí núi lành lạnh, nước trong leo lẻo soi tỏ cả những hòn sỏi dưới nước. Hai bên bờ, ruộng vườn thưa thớt, dãy núi đá vôi lúc nhô ra lúc thít vào đủ hình thù.

Từ Hà Nội, một đêm nằm tàu, 5 giờ sáng bạn đã có mặt ở Lào Cai, từ đây lên Cao Sơn khoảng 80 cây số bằng ô-tô của Cty du lịch Phương Bắc.

Trên đường, khách có thể ghé thăm làng đan lát và dệt thổ cẩm Pờ Hồ- xã Thanh Bình. Ven đường, bạt ngàn chè của nông trường Thanh Bình.

Hiếm tour nào phong phú như Cao Sơn: khách được đi tàu hoả, ô-tô, đi bộ, chèo thuyền và làm khách của chợ phiên suốt tuần.

Nếu ưa mạo hiểm, bạn đi bằng xe Minsk, Win, với trang bị đầy đủ: la bàn, túi ngủ, áo rét, lương khô, nước, xăng, thiết bị y tế.

Nhưng, dân đi tour ở Lào Cai cảnh báo: Nên mua cả bảo hiểm nhân thọ.

Và tốt nhất là không nên đi xe máy, vì bạn dễ lạc trong sương mù hoặc rơi tõm xuống vực!

Nửa chặng đường, các cô gái ý chừng đã đứng hơi mỏi. Người dẫn đường liền chèo tới hang Cô Tiên cho khách nghỉ chân rồi chuyển khách sang ngồi thuyền. Thuyền đi, kéo theo mảng. Khách tranh thủ sang mảng nằm nhìn lên trời.

Đến Bảo Nhai là hoàn tất hành trình hai tiếng rưỡi đồng hồ. Lại trở về Cao Sơn để sáng thứ Tư đi chợ phiên Cao Sơn nơi tụ họp hàng tuần của người Mông Hoa. Người nơi đây mô tả phiên chợ Cao Sơn gọn lỏn một câu: “Trên là trời, dưới là váy”.

Người Mông luôn sống ở địa hình cao, coi trọng việc chợ búa. Khi đi chợ, họ chọn những bộ váy đẹp nhất, diện nhất. Váy dệt và thêu trong 3 năm. Mỗi cô dâu về nhà chồng “xịn” lắm cũng chỉ có 5 bộ váy. Chợ Cao Sơn là nơi giao thương và giao tình của 4 xã xung quanh.

Bạn có thể mua lạp sường, thịt treo, đậu xi, tương ớt. Riêng gạo Séng Cù và tương ớt Mường Khương đã được đăng ký thương hiệu. Sáng hôm sau, với thể lực tốt, bạn có thể đi bộ 11km xuyên qua 3 bản người Mông tới chợ phiên Lùng Khâu Nhin.

Anh Luật bảo, theo các già làng, mảnh đất anh dựng nhà sàn hồi trước là vùng đất tranh chấp nảy lửa của hai bộ tộc. Sau đó, cũng trên mảnh đất ấy, họ nhận ra mình là anh em và nguyền rằng mãi mãi sẽ không ở đất này. “Không biết lời nguyền còn tác dụng không, nhưng ít ra Cao Sơn là nơi giao hảo, kết tình anh em, biến bạn thành thù”, anh Luật nói vui.

Cách nhà sàn Phương Bắc khoảng 8 cây số là đồi người Pháp ở La Pan Tẩn, cao 1.500m so với mực nước biển, chỉ thấp hơn Sa Pa 100m. Hơn 100 năm trước, người Pháp đã đặt chân tới đây khảo sát, nhưng khi phát hiện ra Sa Pa cũng như nhận thấy địa hình Cao Sơn hiểm trở hơn, nguồn nước khó khăn hơn, họ quyết định gây dựng Sa Pa thành điểm du lịch nổi tiếng phía tây bắc.

Mường Khương có nhiều lễ hội. Mồng 4 Tết có lễ hội Xây xán của người Mông diễn ra tại Pha Long trong 3 ngày với những cuộc chọi bò, đua bò, nấu thắng cố.

Đây cũng là nơi tìm chồng tìm vợ của người Mông. Huyện Mường Khương đang dự định trồng 100ha rừng cảnh quan tại Pha Long nơi nhà thơ dân tộc Pa Dí gọi là đất Rồng Hoa.

Tháng 2 có lễ cúng rừng. Mỗi bản có một khu rừng cấm, bất kỳ hành động bẻ cây đốn gỗ chặt cành nào cũng bị cấm tiệt, kể cả lá rụng cũng không nhặt. Mỗi năm chỉ nhặt lá một lần.

Mường Khương cũng nhiều núi đá, hang động, đặc biệt là di tích quốc gia hang Hàm Rồng trong đó có 10 động, suối chảy giữa lòng hang.

Ký sự của Trần Thanh

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.