Cao Hành Kiện và cuộc hành trình riêng tư

Cao Hành Kiện và cuộc hành trình riêng tư
Sau thời gian dài hoang mang về tình trạng sức khỏe kém, nhà văn Trung Quốc Cao Hành Kiện trở lại với công chúng qua những tác phẩm mới.
Cao Hành Kiện và cuộc hành trình riêng tư ảnh 1
Cao Hành Kiện

Tác giả của Linh sơn có lẽ được nhiều người biết đến nhất như người đoạt giải Nobel Văn học năm 2000 gây nhiều tranh cãi - lần đầu tiên giải thưởng được trao cho một nhà văn Trung Quốc.

Nhưng ông còn là một họa sĩ, nhà thơ và nhà viết kịch thành công. Các tác phẩm của ông thường đề cập tới phẩm cách cá nhân, một môtip khiến thế giới tôn trọng ông như một họa sĩ và cũng khiến ông chịu nhiều khổ sở trên mảnh đất lâu nay ca ngợi tính tập thể.

Cao Hành Kiện hướng mọi khả năng đa dạng và những chủ đề ưa thích của ông vào Bóng/Bóng tối, một bộ phim mới hoàn thành.

Bóng/Bóng tối không có một cốt truyện truyền thống mà lần theo cuộc hành trình riêng tư của Cao Hành Kiện đi vào thế giới siêu hình. Người xem sẽ thấy ông, trong trạng thái xuất thần của Đạo giáo, đang vẽ với bút sậy và sơn trên những tấm giấy to.

Nhà họa sĩ đi tới đi lui trước ống kính máy quay phim nhưng hầu như không nói gì suốt bộ phim 90 phút. Đó là sự thử nghiệm về các kết cấu thị giác, đan dệt những cảnh đẹp như mơ với những thước phim tài liệu, hiện gần rồi xa thấp thoáng giữa màu sắc và những họa phẩm đen trắng nổi tiếng của ông.

Tháng 11/2007, ông tung ra một cuốn sách có cùng tựa đề để giúp tuyệt tác của ông được biết đến chút ít, và để giải thích về bộ phim bằng các tiểu luận, nhiếp ảnh và thơ. "Ông luôn cảm thấy đây có thể là một trong những công trình cuối cùng của ông" - Fiona Sze Lorrain, bạn của Cao Hành Kiện và là người biên tập cuốn sách, cho biết.

Thật vậy, một cây bút sậy tỉ mỉ cùng với đạo lý đã sinh ra tác phẩm mới. Từ năm 2003 - là "Năm Cao Hành Kiện" như tuyên bố của thành phố Marseille (Pháp), nơi ông là công dân từ năm 1998 - Cao Hành Kiện, 67 tuổi, phải trải qua hai lần mổ tim. Bệnh tật đã làm giảm sút đáng kể việc sáng tác của ông nhưng lại thôi thúc ông đến với công việc nhỏ, tự đầu tư này.

Hiện nay, với nguồn sinh lực của một người được trao một cơ hội khác trong đời, Cao Hành Kiện khỏe mạnh hơn đang lôi cuốn cái nhìn của công chúng một lần nữa.

Đầu năm 2007, ông có mặt ở Đức trong một cuộc triển lãm tranh của ông. Vào tháng chín ông đến Mỹ dự một hội thảo học thuật về tác phẩm của ông.

Tháng mười một ông đến Singapore lần đầu tiên trong gần hai tuần để tặng một bức tranh cho viện bảo tàng. Năm nay Hong Kong sẽ tổ chức một liên hoan lớn để vinh danh ông;

Cao Hành Kiện sẽ chủ tọa một diễn đàn tại thư viện công cộng, ít nhất có một phòng tranh đang chuẩn bị một triển lãm, các vở kịch của ông sẽ được trình diễn và bộ phim của ông sẽ được chiếu tại nhà nghệ thuật cho nhiều người xem.

Thời kỳ đầu, sự tập trung không khoan nhượng cho kỹ xảo đã biến ông thành một trong những họa sĩ khiêu khích nhất ở Trung Hoa. Với tư cách một trí thức, ông bị đưa về nông thôn để cải tạo trong thời kỳ cách mạng văn hóa.

Khi trở về, ông bắt đầu nổi tiếng với các vở kịch hiện đại, thể nghiệm lấy cảm hứng từ Brecht và Beckett. Ông bị cấm đoán sau khi các quan chức cho rằng vở kịch Trạm xe buýt viết năm 1983 của ông chỉ trích chính quyền.

Bị chẩn đoán sai là mắc bệnh ung thư phổi và nghe đồn rằng ông sẽ bị đưa vào trại cải tạo lao động, ông bắt đầu cuộc đi bộ dọc theo sông Dương Tử gần một năm; chuyến đi sau đó biến thành Linh sơn, cuốn tiểu thuyết đưa ông đến giải Nobel.

Năm 1989, ông sang Pháp định cư, và trong những năm đầu sống lưu vong ở Paris, ông kiếm sống bằng cách bán các bức tranh của mình.

Các họa sĩ khác rời Trung Quốc vào thập niên 1980 đã quay về. Họ giữ hộ chiếu Hoa Kỳ hay châu Âu nhưng về sống vài tháng mỗi năm ở Trung Quốc, nơi "các ngành kinh doanh văn hóa", như cách mọi người gọi nghệ thuật, đang nở rộ. Nhưng đó không phải là chọn lựa đối với Cao Hành Kiện.

Ông Gilbert Fong Chee Fun ở Đại học Trung Quốc tại Hong Kong nói thêm: "Ông làm bộ phim Bóng/Bóng tối bởi vì nếu bạn nói lên một điều gì, bạn tồn tại". Ngay cả khi bạn nói điều đó chủ yếu thông qua những hình ảnh bí ẩn.

Tác phẩm Linh sơn ở VN có ba bản dịch của các dịch giả Trần Đĩnh (NXB Phụ Nữ, qua bản tiếng Pháp), Hồ Quang Du và Ông Văn Tùng (NXB Văn Học và NXB Văn Nghệ, qua bản tiếng Trung).

Mới đây nhất, một tác phẩm của Cao Hành Kiện Kinh thánh của một người cũng đã được NXB Công An Nhân Dân phát hành, với bản dịch của dịch giả quá cố Thái Nguyễn Bạch Liên.

Theo Mai Sơn
Tuổi trẻ/Newsweek

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.