Ý kiến bạn đọc từ việc hai giáo sư nổi tiếng bị tai nạn giao thông:

Cảnh sát giao thông chưa làm tròn nhiệm vụ

Cảnh sát giao thông chưa làm tròn nhiệm vụ
TP - Tôi nghĩ một nguyên nhân nữa khiến giao thông đô thị hỗn loạn và nhiều tai nạn là từ CSGT. Tôi thấy CSGT chưa làm tròn trách nhiệm của mình...

Trên đường đi làm từ Hà Đông ra Hà Nội, tôi thấy CSGT đứng rất nhiều tại các nút giao thông nhưng họ không hề làm việc. Họ chỉ đứng quan sát xem có xe nào vi phạm không để thổi phạt chứ không đứng ra điều khiển giao thông.

Rất nhiều xe đạp đi ngênh ngang trong phần đường dành cho xe máy ngay trước mặt CSGT nhưng họ chỉ đứng nhìn. Chỉ cần 3 chiếc xe đạp đi gần nhau trong phần đường dành cho xe cơ giới là có thể dẫn đến ùn tắc giao thông và gây nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều CSGT không chịu đứng ở nút giao thông mà đứng cách xa đó một đoạn để rình xem có xe nào vi phạm thì xông ra chặn bắt.

Ý thức của người đi bộ rất kém

Theo tôi cần có đèn dành riêng cho người đi bộ, khi đèn này bật xanh thì các phương tiện cơ giới khác đều dừng lại.

Ý thức của người đi bộ cũng rất kém. Nhiều người sang đường ở bất cứ chỗ nào, kể cả khi phần đường đó xe đang lưu thông theo tín hiệu đèn xanh (mà lẽ ra người đi bộ chỉ được sang khi đèn cho người đi bộ bật xanh và đèn cho phần đường vuông góc bật đỏ).

Ngoài ra cảnh sát giao thông (CSGT) của ta còn mất quá nhiều thời gian về việc xử phạt tiền. Tôi để ý khi cảnh sát bắt được một xe thì tập trung vào xe đó, không chú ý gì đến tình hình giao thông ở nút giao thông đó nữa!

Các bến xe khách thì hết sức lộn xộn, điển hình là bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Mặc dù mới lắp đèn tín hiệu ở khu vực trước bến xe nhưng các xe khách vẫn đỗ thành hàng 4-hàng 5 để đón khách, xe máy thường xuyên phải lách qua mới đi được.

Tuyệt nhiên hiếm khi thấy CSGT xuất hiện ở nút giao thông này. Trước khi cụm đèn tín hiệu xuất hiện ở đây thì tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều.

9 điều kiến nghị

Để an toàn giao thông theo tôi:

1. Cần phải phân rõ luồng giao thông như: đường có 3 luồng, thì xe máy chỉ được đi 2 luồng còn lại 1 luồng dành riêng cho ôtô.

2. Giáo dục người tham gia giao thông nên đi trên đường đúng tốc độ được quy định để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt.

3. Tăng cường các biển báo đèn báo hiệu tại nhưng điểm có người qua đường.

4. Tất cả những người tham gia giao thông nếu trong 1 năm vi phạm lần thứ ba về an toàn giao thông thì thu xe bán đấu giá xung công quỹ nhà nước.

5. Nên xử lý cả bố mẹ của người dưới 18 tuổi vi phạm giao thông.

6. Các tuyến đường có 2 luồng nên phân thành đường một chiều.

7. Giao cho công an các phường rà soát những xe không đảm bảo an toàn, các đối tượng có hành vi đi xe ẩu.

8. Cần tăng cường camera CSGT tại các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, ách tắc, đua xe, trường học...

9. Nên xây dựng và cho lưu hành bằng lái xe điện tử.

Mong Bộ trưởng hãy “xắn tay ngay” vì sự an bình của người dân và xã hội!

Tôi là một công dân Hà Nội cũng xin có đôi điều theo suy nghĩ cá nhân gửi tới ông Bộ trưởng Bộ GTVT về vấn nạn giao thông hiện nay.

Hiện nay ai cũng thấy tình trạng lộn xộn và tai nạn giao thông chủ yếu do xe gắn máy gây ra. Theo tôi các nhà quản lý cần phải nhìn nhận thực tế vấn đề này, đừng né tránh sự thật này và che đậy bằng cách làm yên lòng mọi người, cho rằng “xe máy đang là phương tiện hợp lý nhất cho xã hội hiện nay..!?”.

Có nhiều việc cần giải quyết, nhưng theo tôi có ba việc có thể làm được ngay và số đông người dân đều ủng hộ:

1. Đối với Hà Nội và TPHCM, nên quy định cấm xe gắn máy đi lại trong nhiều tuyến phố. Lúc đầu tôi nghĩ sẽ có nhiều người không đồng tình, nhưng cần tạo thói quen đi lại bằng xe buýt, taxi, đi bộ hoặc xe đạp. Từ đây nhận rộng ra nhiều khu vực khác trong đô thị. Việc này nhiều nước đã làm dù chúng ta đã bị muộn, nhưng vẫn làm được.

2. Tăng phí sử dụng đường bộ trong khu vực đô thị lên cao đối với phương tiện xe gắn máy. Phạt hành chính thật nặng những ai vi phạm việc đậu, dừng xe máy, để xe trên vỉa hè, lòng đường sai quy định như đang áp dụng với ôtô.

3. Công khai các khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông để mọi người dân hiểu và đóng góp ý kiến với Nhà nước. Xây dựng cơ chế để trong vòng vài năm tập trung toàn bộ các khoản thu từ phạt hành chính do vi phạm Luật giao thông vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; công khai cho nhân dân cùng biết.

Sang đường quá nguy hiểm !

Tôi là người thường xuyên sử dụng phương tiên đi lại là xe buýt. Có một điều tôi quan sát thấy là: Mỗi khi xuống xe buýt những người muốn sang đường quả thật gặp khó khăn.

Sang đường chỗ vạch vôi trắng dành cho người đi bộ nhưng các loại phương tiện khác cứ lao ầm ầm không giảm tốc độ nên rất nguy hiểm,nhiều đoạn tới được ngã tư có đèn đỏ phải chừng 500-700m.

Cá nhân tôi buộc phải chọn giải pháp an toàn hơn là chờ cho tới khi có vài người cùng sang thi đi với họ hoặc cùng lắm sang đường bằng cách thuê xe ôm một đoạn chứ không dám đi bộ một mình qua đường,nhất là khi trời tối.

Sao không xây nhiều cầu vượt cho người đi bộ ?

Tôi thấy, bất cứ giao thông đô thị của một thành phố lớn nào đều có cầu vượt cho người đi bộ, nhưng ở nước ta đặc biệt là Hà Nội, không có một cầu vượt nào cho người đi bộ. Ở những ngã ba, ngã tư lớn, nếu không có cầu vượt thì người đi bộ qua đường rất khó khăn và nguy hiểm.

Ở Thái Lan, mật độ giao thông lớn hơn ta rất nhiều, họ đều xây cầu qua đường. Hàng năm vốn ODA, và các nguồn tài trợ khác cho việc tăng cường năng lực giao thông rất nhiều, ta nên xem xét dành một phần cho việc xây cầu cho người đi bộ, tạo thói quen cho người đi bộ, cũng như những người tham gia giao thông có ý thức hơn.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.