"Cánh nhạn hồng" không mỏi

"Cánh nhạn hồng" không mỏi
TP - Trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo, chịu thiệt thòi trong cuộc sống riêng, nhưng ở tuổi bảy mươi, bà Lâm Hồng Nhạn vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, vẫn cười vang vô tư khi kể về cuộc đời mình.
"Cánh nhạn hồng" không mỏi ảnh 1

Bà Lâm Hồng Nhạn với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong một lần ông về thăm Bình Thuận

Bình Thuận đang có nhiều dư luận về việc UBND tỉnh lấy đất bến xe La Gi giao cho một doanh nghiệp. Được biết khu đất đó vốn là đất của gia đình bà Lâm Hồng Nhạn hiến cho Nhà nước năm 1976, chúng tôi đến hỏi ý kiến của bà về việc này.

Nhưng trọng tâm câu chuyện thay đổi, khi chúng tôi chú ý đến những bức ảnh dưới mặt kính bàn tiếp khách của bà. Đó là những bức ảnh bà chụp chung với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...   

Xưa, căn nhà số 200 đường Lê Lợi, thị xã Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay là thị xã La Gi, Bình Thuận) là tiệm thuốc Bắc có bán tạp hóa của hai cụ Lâm Quan - Nguyễn Thị Lệ Cơ, song thân bà Hồng Nhạn. Tiệm mang tên Đại Đồng, hàm ý chủ nhân mong muốn mọi người đều sống bình đẳng, hạnh phúc như nhau.

Sinh ra và được dưỡng dục trong căn nhà đó, năm 1957 cô nữ sinh Lâm Hồng Nhạn mới 17 tuổi đã tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Hàm Tân. Cánh chim nhạn ấy bay tới Sài Gòn, cùng hoạt động với linh mục Phan Khắc Từ, cô Cao Thị Quế Hương (nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh Lâm Đồng)…

Năm 1967, Hồng Nhạn bị bắt giam, đến năm 1969 mới được thả. Ra tù, cô lại lao vào phong trào thanh niên học sinh đô thị, giúp đỡ thanh niên trốn quân dịch, dẫn dắt họ vào con đường cách mạng. 

Một sáng tháng hai năm 1973, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc nhà Đại Đồng. Người dân Hàm Tân kéo đến ngắm lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, xôn xao bàn tán.

Kể chuyện này, bà Hồng Nhạn cười vang: Chiến công treo cờ, chị không làm mà được hưởng!

Trước đó vài giờ, em kế bà Hồng Nhạn, chàng sinh viên Luật khoa Sài Gòn Lâm Hồng Đồ bị bắt khi đạp xe rải truyền đơn cách mạng ở Hàm Tân. Đó là những truyền đơn từ Sài Gòn chuyển ra, tố cáo chính quyền Sài Gòn âm mưu phá hoại Hiệp định Paris vừa được ký kết.

Địch lục soát nhà Đại Đồng, tìm thấy cờ Mặt trận trong chiếc gối ngủ của bà Hồng Nhạn. Chúng treo lá cờ lên nóc nhà Đại Đồng, như một bằng chứng là nhà Việt Cộng để có thể xử bắn bà Nhạn, nhưng vô tình tuyên truyền: Cách mạng đã hiện diện công khai ngay giữa tỉnh lỵ Bình Tuy!

Lúc đó, đã cận Tết Quý Sửu, tiệm Đại Đồng còn rất nhiều hàng hóa. Sau khi chị em bà Hồng Nhạn bị bắt, người dân Hàm Tân đã ngầm ủng hộ họ bằng cách đến mua hết hàng của tiệm Đại Đồng.

Hai chị em bà Hồng Nhạn bị đưa vào giam ở Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Kể về lần tù tội thứ hai này, bà Hồng Nhạn xúc động nhắc đến một bà má cùng bị giam.

Khi đó, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu bị bắt cùng nhiều người thân, bị giam trong cát-xô (cachot, buồng giam nhỏ) cạnh cát-xô của bà Hồng Nhạn. Cụ Đào Thị Ngọc Thư, mẹ đẻ của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu lúc đó đã 79 tuổi cũng bị bắt giam, thường động viên, an ủi bà Hồng Nhạn sau mỗi lần bà bị nhận nước, bỏ xuống hầm bùn, tra điện…

Bà Hồng Nhạn đến bàn thờ thắp một nén hương trước di ảnh cụ Lâm Quan, rồi kể tiếp: Có người rất kiên gan, nhưng cuối cùng phải khai báo khi địch treo bà má của ảnh lên trước mặt ảnh. Ba chị cũng bị bắt đưa vào Tổng nha Cảnh sát, không biết chị sẽ ra sao nếu nó treo ba chị lên!

Hằng ngày, căn nhà Đại Đồng vẫn là nơi ghé thăm của những người cùng hoạt động khi xưa, của nhiều chị em phụ nữ và người dân La Gi. Tình cảm của mọi người ở thị xã ven biển đã lấp đầy nỗi trống văỉng trong lòng người phụ nữ suốt đời hy sinh vì đồng bào.

Kể xong, bà Hồng Nhạn lại cười, nụ cười của một người trung thực, không biết và không cần che giấu suy nghĩ của mình.

Sau hai tháng bị giam ở Tổng nha Cảnh sát, chị em Hồng Nhạn, Hồng Đồ bị đưa ra Côn Đảo. Ở đó, họ bị nhốt chuồng cọp vì không chịu ly khai. Tháng 5-1975, Côn Đảo được giải phóng, bà được đưa trở về đất liền trên chuyến tàu đầu tiên, chở các tử tù và những người ốm yếu nhất.

Về đất liền sau hơn hai năm lưu đày, người thân đầu tiên bà gặp lại là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với những bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn và Mẹ con người tử tù ngày gặp mặt chính là con của bác ruột bà Hồng Nhạn.

Tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, nơi đón những người về từ địa ngục Côn Đảo, phải mất khá lâu hai anh em mới nhận ra nhau, ôm nhau trong nước mắt. Bởi, họ đã xa cách nhau trong hơn 20 năm đất nước bị cắt chia, vả lại khi đó chị tiều tụy giống ma lắm, bà Hồng Nhạn kể.

Chính tại buổi hội ngộ đó, Lâm Hồng Long đã ghi lại cảnh người tử tù Lê Văn Thức gặp lại mẹ mình trong bức ảnh Mẹ con người tử tù ngày gặp mặt, làm lay động trái tim hàng triệu người trên khắp thế giới.

Hôm đó, bà Hồng Nhạn và ông Lâm Hồng Long cũng chụp ảnh chung, nhưng sau này có nhà báo mượn ảnh rồi không đưa lại…   

Ngày 15-5-1975, bà Hồng Nhạn về Hàm Tân, gặp lại ba má. Trước đó, bên niềm vui đất nước thống nhất, song thân bà Hồng Nhạn vẫn canh cánh trông ngóng tin tức các con.

Các cụ đã tính chuyện lập bàn thờ cho họ. Nhưng rồi, Hồng Khánh từ căn cứ trong rừng, tiến sĩ dược Hồng Tường từ Hà Nội, Hồng Nhạn và Hồng Đồ từ Côn Đảo, các con của hai cụ lần lượt trở về. Đó là những ngày tràn đầy nụ cười và nước mắt, những ngày đại đồng trong ngôi nhà Đại Đồng…

Các con cô đâu? Câu hỏi vô tình của chúng tôi làm bà Hồng Nhạn thoáng buồn. Những công việc ngổn ngang ở quê hương sau giải phóng đã khiến bà quên lo cho hạnh phúc riêng của mình. Nhưng cái buồn qua rất nhanh, bà lại cười vang vô tư khi trò chuyện.

Thị xã Hàm Tân trở thành một phần của huyện Hàm Tân (năm 2005 tách thành thị xã La Gi và huyện Hàm Tân), bà Hồng Nhạn công tác tại hội Phụ nữ huyện suốt hai bảy năm, có bốn nhiệm kỳ làm Chủ tịch hội…

Bị địch bắt giam lần đầu khi hai bảy tuổi, công tác Phụ nữ hai bảy năm, cuộc đời bà còn có một con số hai bảy nữa: Được kết nạp Đảng sau hai bảy năm tham gia cách mạng. Học cảm tình Đảng chín lần mà vẫn không được kết nạp, đau hơn bị địch tra tấn khi xưa, đau lắm!

Bà tâm sự. Vì bà có ông nội là người Hoa, những định kiến một thời đã ngăn cản việc bà được kết nạp Đảng! Ở vào hoàn cảnh như bà, có thể người khác đã thoái chí, bất mãn. Nhưng, bà nói, chị vẫn tin Đảng, chỉ có ai đó bỏ Đảng, chứ Đảng không bỏ mình đâu. Bà vẫn nhiệt tình công tác, được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1984, bà được kết nạp Đảng.

Nghỉ hưu năm 2002, bà Hồng Nhạn tham gia hội khuyến học huyện, rồi làm Chủ tịch hội Cựu tù chính trị thị xã La Gi... Cha mẹ đã qua đời, niềm vui hàng ngày của bà Hồng Nhạn là công tác xã hội, chăm lo cho một đứa cháu đang học đại học.

Tuy sống một mình, nhưng bà không cô đơn. Hằng ngày, căn nhà Đại Đồng vẫn là nơi ghé thăm của những người cùng hoạt động khi xưa, của nhiều chị em phụ nữ và người dân La Gi. Tình cảm của mọi người ở thị xã ven biển đã lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng người phụ nữ suốt đời hy sinh vì đồng bào.

MỚI - NÓNG