Canh 'mắt biển' trăm tuổi trên đỉnh Sơn Trà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hải đăng Tiên Sa trên bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng dù đã 120 năm tuổi vẫn sừng sững như thách thức thời gian. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những người thợ đèn vẫn âm thầm canh gác, thắp sáng ngọn đèn dẫn lối tàu thuyền trong đêm tối hay mịt mùng giông bão.

Thầm lặng thắp đèn nơi đầu sóng

Những ngày cuối tháng 2, gió rét khiến cung đường lên thăm Trạm hải đăng Tiên Sa trên bán đảo Sơn Trà trở nên vất vả. Những dốc cao dựng đứng, xe máy phải cài số thấp mới bò lên được, rồi ghì phanh tụt dốc, đổ đèo. Xe máy tay ga bị cấm lên Sơn Trà mấy năm nay cũng vì những cung đường dốc ngược chênh vênh bên bờ vực dễ xảy ra tai nạn.

Canh 'mắt biển' trăm tuổi trên đỉnh Sơn Trà ảnh 1

Hải đăng cổ Tiên Sa 120 năm tuổi thách thức thời gian. Ảnh: Nguyễn Thành

Hải đăng Tiên Sa được Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1902, là một trong số ngọn hải đăng cổ nhất ở nước ta hiện nay. Có khách ghé trạm, anh Trần Ngọc Anh (Trạm phó Trạm hải đăng Tiên Sa) khấp khởi ra đón: “Ở đây thi thoảng mới có người lên, ghé chơi, anh em có thêm người, thêm chuyện để nói. Có mấy anh em suốt ngày nhìn mặt nhau, đôi lúc chả biết nói chuyện gì. Quanh năm, ở đây ồn ào lắm nhưng chỉ là tiếng sóng vỗ ghềnh và gió rít. Nỗi buồn đã quá quen đến mức nhiều khi không còn biết buồn là gì”. 41 tuổi, anh Anh đã có 19 năm gắn bó với những ngọn hải đăng dọc miền biển Trung. Với ngọn hải đăng cổ ở Sơn Trà, đã 6 năm anh thắp đèn hằng đêm. Trời lạnh, khách co ro, nhưng vị trạm phó gầy gò vẫn chỉ bận mỗi bộ đồ bảo hộ do công ty cấp. “Gió rét này ăn thua gì. Làm nghề này ngót nghét đã 20 năm, đã quen sương gió, giá lạnh nơi miền chân sóng rồi”, anh Anh cười nói.

Trạm hải đăng Tiên Sa hiện do Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Trung Bộ quản lý. Biên chế trạm có 6 anh em thì chỉ 2 người có vợ con gia đình ở Đà Nẵng, còn lại 4 anh em đều xa quê, xa gia đình để làm nhiệm vụ. Quê ở tận Nghi Lộc (Nghệ An) trạm phó Trần Ngọc Anh không còn nhớ bao Tết xa quê, xa vợ con đón xuân bên những ngọn hải đăng. Trước khi về Sơn Trà, anh đã 13 năm gắn bó với những ngọn đèn biển ở Cửa Đại, ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Công việc thầm lặng, theo thời gian tuổi trẻ của anh và đồng nghiệp mau chóng qua đi bên những ngọn đèn, để dẫn lối hàng triệu lượt tàu thuyền trên biển đêm.

Anh Anh chia sẻ: Do hải đăng cổ, không có hệ thống điều khiển từ xa nên anh em phải bảo trì vận hành thủ công để đảm bảo máy móc, thiết bị đèn luôn đảm bảo. Ngày thường công việc khá nhàn, nhưng mùa mưa bão việc bảo dưỡng, đảm bảo đèn chiếu sáng xuyên đêm hết sức vất vả. Do nơi đây chưa có điện, máy móc vận hành bằng máy nổ nên việc vận hành đèn công suất nghìn Kw/h phải luôn có người túc trực, canh chừng từng đêm, từng giờ để kịp thời xử lý sự cố, không để đèn tắt dù chỉ là một phút.

“Bao thế hệ hy sinh tuổi trẻ gắn bó với ngọn đèn biển để an toàn cho những con tàu. Em nguyện noi theo, tiếp bước truyền thống của người thợ hải đăng. Sống ở đây có thể buồn, nhưng bù lại được sống giữa thiên nhiên, mặc sức tận hưởng khí trời, gió lộng. Niềm vui nghề là giúp sức giữ ánh đèn không bao giờ tắt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Nguyễn Văn Khánh bộc bạch

Tự hào là mắt đêm của biển

Anh em Trạm hải đăng Tiên Sa hay nói đùa nhau rằng: “Ở đây anh em quen với cảnh “4 không”: không điện, không nước, không sóng điện thoại và không có đàn bà. Ở đây chỉ có trái tim yêu nghề và ngọn đèn biển sáng tỏ từng đêm”. Mỗi ngày anh em chỉ có 14 giờ chạy điện máy nổ để làm việc và sinh hoạt. Không có nước ngọt, anh em phải tích trữ nước mưa để dùng quanh năm. Sóng điện thoại phải đi dò mới có. Cả 6 anh em con trai sinh hoạt trong dãy nhà công vụ.

“Những đêm trường canh đèn, nỗi nhớ vợ con, gia đình da diết lắm. Nếu không yêu nghề, quen với công việc, quen với nỗi cô đơn thì không thể gắn bó với nghề lâu vậy được. Âu cũng là số phận gắn bó mình với những ngọn đèn. Anh em động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu ai cũng chọn phồn hoa đô thị, lấy ai thắp sáng những ngọn đèn”, anh Anh tâm sự. Cũng may, ngay đỉnh hải đăng, anh em bắt được ít sóng điện “đi lạc”. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ vợ con, anh em lại đứng bên ngọn đèn, trong tiếng sóng vỗ, gió rít để gọi điện thăm nhà.

Canh 'mắt biển' trăm tuổi trên đỉnh Sơn Trà ảnh 2

Anh Trần Ngọc Anh kiểm tra, bảo dưỡng đèn hải đăng Tiên Sa. Ảnh: Nguyễn Thành

Mỗi ngày, 6 anh em của Trạm hải đăng Tiên Sa phân công làm việc 6 ca, để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng máy móc, chuyển qua đèn dự phòng khi có sự cố. Mỗi người một bộ phận, đảm bảo túc trực 24/24h để kịp thời xử lý những sự cố bất ngờ, đảm bảo tín hiệu hàng hải và phân luồng trên biển an toàn. Gắn bó với nghề lâu năm, anh Anh cho hay: Nghe tiếng máy nổ thôi anh em đã biết được “sức khỏe” của máy móc, thiết bị, hệ thống vận hành hải đăng có sự cố gì.

Hải đăng Tiên Sa là hải đăng cấp độ 1 vận hành bằng động cơ máy dầu chiếu vào biển đêm dòng ánh sáng trắng xa 23 hải lý (tương đương 45km) với chớp đôi, chu kỳ 10 giây, dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động trên biển đêm. Anh Anh cho biết: Mỗi hải đăng có một đặc tính và tọa độ riêng. Quy chuẩn đặc tính về ánh sáng, màu sắc, chu kỳ hoạt động, loại chớp đèn của mỗi ngọn hải đăng đều khác nhau và được thông báo trên hệ thống đèn tín hiệu hàng hải quốc tế, để bất cứ tàu thuyền nào khi thấy ánh đèn đối chiếu đều nhận ra ngọn hải đăng đó là ở đâu, của nước nào.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị ra đa, định vị hiện đại ra đời, nhiều người vẫn cho rằng hải đăng đã lỗi thời, không còn cần thiết. Nhưng trong ngành hàng hải, dù thiết bị hiện đại đến đâu tàu thuyền đi trên biển, bất kể tàu cá hay tàu hàng, tàu dân sự hay quân sự thì ngọn đèn hải đăng chỉ lối vẫn không gì thay thế được.

“Anh có định vị, nhưng anh muốn đến nhà họ phải có địa chỉ. Ngọn đèn hải đăng chính là địa chỉ, là tọa độ chính xác nhất để khách tìm đường. Nhất là trong điều kiện mưa bão bịt bùng, sóng to gió lớn với muôn vàn sự cố rủi ro giữa biển cả, ánh sáng đèn hải đăng sẽ dẫn lối tàu thuyền giữ đúng hướng đi, tìm được đúng hướng đất liền. Nghề hải đăng tự hào là mắt của biển đêm là vì thế”, anh Anh chia sẻ.

Chàng thợ điện Nguyễn Văn Khánh (24 tuổi, quê ở Yên Thành, Nghệ An) vừa ra trường là thành viên trẻ nhất ở trạm. Gần 1 năm gắn bó, Khánh đã bắt đầu quen với nhịp sống lặng thầm bên biển, giữa núi rừng hoang vu. Khánh chia sẻ: Em út trong trạm nên ai cũng thương, động viên giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiều trong công việc. Chính sự yêu thương, đùm bọc đó đã giúp em vượt qua những ngày tháng đầu xa nhà để vững tin theo đuổi đam mê.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.