Canh lũ và mong cứu trợ

Tiếp tế lương thực cho người dân TP Hà Tĩnh
Tiếp tế lương thực cho người dân TP Hà Tĩnh
TP - Mưa trắng trời, hồ Kẻ Gỗ xả lũ lưu lượng lớn; chỉ trong một đêm, nước nhấn chìm nhiều nhà cửa, đường phố ở Hà Tĩnh. Nhiều cư dân nơi đây mong mỏi chờ chi viện từ người dân cả nước.

Đêm 18/10, từng cơn mưa liên hồi trút xuống Hà Tĩnh, cùng với đó, hồ thủy lợi Kẻ Gỗ thông báo nâng mức lưu lượng xả lũ khiến toàn bộ vùng hạ du các xã của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Là người sống ở thành phố nên kinh nghiệm chạy đua với lũ của ông Nguyễn Tuấn Thanh (53 tuổi, trú phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) còn hạn chế. Đã thế, nước lũ lên trong đêm.

Nước lũ dâng nhanh, ban đầu mấp mé ở sân, đến bậc thềm rồi ngập vào nhà; chỉ trong vài tiếng nước dâng cao 50cm. Ông Thanh nói, đêm hôm đó, người thân trong gia đình thức trắng để di dời đồ đạc, chiếc giường, bàn khách là nơi cao nhất trong nhà để cứu tài sản. Giường đã nhường chỗ đựng đồ dùng, chẳng có chỗ nào để nằm nghỉ ngơi. Mọi người trong nhà thức trắng đêm chờ đến sáng. “Từ khi sinh ra đến nay, chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào lớn như vậy. TP Hà Tĩnh bình thường chỉ ngập cục bộ, còn ngập vào nhà cao như năm này thì chưa bao giờ xảy ra. Nghĩ lại quá trình chạy lũ giờ còn rất hoảng sợ. Lúc đó tin nhắn cảnh báo ngập lụt và hồ xả nước về liên tục, ai cũng nóng hết ruột gan”, ông Thanh nói.

Giữa thời điểm nước lũ dâng cao, căn nhà của anh Nguyễn Xuân Hào ở tổ dân phố 3 phường Hà Huy Tập trở thành “trại tị nạn” của nhiều hộ dân khác trong phố này. “Lũ lên nhanh, cao hơn cả trận lũ lịch sử năm 2010. Hai đêm canh lũ dọn đồ, ngoài mệt còn rất lo sợ, toàn bộ nước ngập vào nhà, chúng tôi phải di dời đồ đạc lên phía tầng hai”, anh Hào nói.

Đêm 18 rồi đến đêm 19/10, nước lũ vẫn còn bao vây nhiều địa phương. Giữa màn mưa trắng xóa, những chiếc thuyền cứu hộ được Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh đều đi các ngõ ngách, thôn xóm thấp trũng để di dời dân. Vùng hạ du, các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Thành... huyện Cẩm Xuyên có đến hơn 13.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt.

 “Mẹ không được quay lại nhà”

Canh lũ và mong cứu trợ ảnh 1

Nhiều tổ chức đã chuyển nhu yếu phẩm đến vùng lũ.  ảnh: PV

Sáng 20/10, hai bên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Can Lộc mênh mông biển nước, nhiều đoạn đường bị ngập, hàng dài đoàn xe nối đuôi nhau chở theo hàng hóa, mì tôm, nước sạch, nhu yếu phẩm chi viện cho người dân đang bị cô lập. Loay hoay gần 3 tiếng, nhóm PV Tiền Phong mới tìm được đường đến huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, nơi được xem là tâm lũ của tỉnh Hà Tĩnh.

Đang tất tả gom, vận chuyển hàng từ xe đoàn cứu trợ vào nhà dân sát đường, ông Trương Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, cho biết, tối 18/10, nước lên cao nên xã đã huy động lực lượng, di chuyển khoảng 200 người già, trẻ em đến nơi an toàn. Đến sáng 20/10, vẫn còn 500 hộ với khoảng 700 người dân đang bị cô lập. Do mưa lũ ngập sâu, chia cắt giao thông, thông tin liên lạc nên các loại xe chuyên dụng, gầm cao được huy động để chuyển hàng. Các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, nước sạch, áo phao được tập kết ở điểm cao, rồi chuyển vào cho dân.

Chị Nguyễn Hải Lý, Trưởng đoàn cứu trợ của một số doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, nói: “Chúng tôi huy động được khoảng 300 thùng mì tôm, 300 chai dầu ăn, 300 chai nước sạch để chuyển đến các khu vực bị chia cắt. Hy vọng, sự giúp đỡ, hỗ trợ sẽ giúp người dân ấm lòng, tiếp thêm động lực, sức mạnh để vượt qua thời điểm này”.

Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, hạ nguồn hồ Kẻ Gỗ ngập cục bộ. Ông Nguyễn Đình Ngụ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm Hương, cho biết, khoảng 1.000 hộ dân với hơn 1.700 người đang bị cô lập. Nước lũ lên nhanh, mất điện, người dân không kịp di chuyển đồ đạc, mọi người đang rất cần thực phẩm, nước uống. Lực lượng bộ đội, công an huyện được điều động, dùng ca nô chi viện cho người dân.

Càng di chuyển vào phía trong, việc đi lại càng khó khăn. Tại vòng xuyến Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên, bà Nguyễn Thị Lưu, 64 tuổi trú tại thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vĩnh, loay hoay xin thuyền cứu hộ về nhà. Vẻ mặt lo lắng, bà Lưu cho biết, nước lên nhanh, không kịp mang theo đồ đạc, chỉ kịp chạy lấy người ra đường cao trú tạm. Con trai đang đi lao động tại Nhật Bản, con gái lấy chồng tận miền Nam nên không biết nhờ ai. “Bao nhiêu giấy tờ, đồ đạc quan trọng đều ở nhà. Tôi muốn về lấy điện thoại thông báo cho các con yên tâm, cũng để dắt hai con bò ra phía ngoài này. Bò chết nhà cũng không còn đồ gì giá trị”, bà Lưu rưng rưng. Bà mượn vội điện thoại PV liên lạc với con. Chị Loan (con gái bà Lưu) nói to: “Mẹ không được quay về nhà, bò chết chúng con gửi tiền về mua”.

Từ Quốc lộ 1A, chúng tôi lên ca nô di chuyển vào xã Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên, nơi có hàng trăm hộ dân đang bị cô lập vì lũ. Chiếc ca nô chở 8 người dập dềnh băng qua cánh đồng mênh mông, trắng xóa màu nước. Phía xa, hàng trăm mái nhà đang hụp lặn giữa dòng chảy xiết.

Nhoài người từ trên mái nhà hướng về chiếc ca nô chở đoàn, bà Biên Thị An, 49 tuổi, trú xóm Yên Khánh, xã Cẩm Vĩnh, cho biết, mất điện, thực phẩm, nước sạch trong nhà đã hết, 3 thành viên trong gia đình đang lo lắng không biết sẽ sống ra sao. May mắn, buổi sáng lực lượng chức năng đã tiếp cận, chuyển bánh chưng cùng một số hàng hóa.

Di chuyển cùng PV vào tâm lũ Cẩm Vĩnh, anh Nguyễn Tiến Nam, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, nước lên quá nhanh nên dù dân có trữ được lương thực, thực phẩm thì cũng không có gì để đun nấu. Người dân chạy lên khu vực tập trung tránh lũ cũng không mang theo được gì. Cái họ cần nhất lúc này là được tiếp sức bằng các suất cơm, chai nước lọc vì tất cả lương thực đã ướt, ẩm mốc nên không thể nấu ăn.

Chèo chiếc thuyền tự chế từ các cây chuối hợp thành về phía chúng tôi, 2 thanh niên tại xã Cẩm Vĩnh cho biết, họ rất cần thực phẩm, dầu hỏa, áo phao để chống chọi với bão lũ. Dù vậy, do nước ngập sâu, việc di chuyển vào khu vực dân cư rất khó khăn. Chiếc ca nô chở chúng tôi nhiều lần chết máy vì va vào hàng rào, tường nhà dân. Để tiếp cận được những vùng ngập lụt, cần thêm lực lượng và thuyền chuyên dụng, nhưng nhiều nơi đang cần cứu trợ nên mọi thứ đều thiếu thốn.

MỚI - NÓNG