Cảnh giác với 'cò' nhà sinh viên

Cảnh giác với 'cò' nhà sinh viên
TP - Tìm được một nhà trọ vừa ý là điều không hề dễ dàng. Không ít bạn đã phải lọt vào “tầm ngắm” của giới “cò” và hậu quả là tiền mất, tật mang.
Cảnh giác với 'cò' nhà sinh viên ảnh 1
Để được ở trong những xóm “ét-vê” này, phải cảnh giác trước “cò” nhà

Trong vai một sinh viên cần thuê nhà, tôi tìm đến nhà “cò” Phượng, một tay cò chuyên môi giới đất và nhà trọ, trên đường Vạn Kiếp (Q. Bình Thạnh, TPHCM). Tôi bảo cần một cái nhà cho 4 người, giá 1,2 triệu đồng trở xuống. “Cò” này xin số điện thoại của tôi để gọi lại nếu có.

Suốt cả tuần đợi điện thoại, sốt ruột quá tôi tìm đến gặp “cò”. Chị ta than: “Trời ơi, chị cũng muốn tìm nhà cho em lắm chứ, nhưng mà hiện nay cung đã quá cầu, sinh viên cần nhiều quá nên hết nhà rồi!”.

Nói đoạn, chị ta dẫn tôi ra “văn phòng”. Đó là một quán cà phê nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, tập trung những tay “cò” đất, “cò” nhà chủ yếu là dành cho giới sinh viên.

Chị bảo bận rồi giới thiệu tôi cho một tay khác. Anh này mau mắn dẫn tôi đi thuê nhà trong con hẻm Trần Kế Xương, cách đó không xa, nhưng ông chủ bảo hết phòng, cho dù tôi ra giá 1,5 triệu đồng.

Đảo qua một hồi, có căn nhà đang xây dựng chỉ dành riêng cho sinh viên thuê trọ đang hoàn thành, mỗi phòng bé tí teo, bà chủ mập ú cũng đòi phải 1,7 triệu đồng.

Tôi giả vờ thất vọng ra về, sau khi tìm kế hoãn binh với anh “cò” đất: “Để em về suy nghĩ kỹ, nếu thuê được, em không quên thù lao cho anh đâu”. Nhưng anh ta đòi tiền công, tôi bảo chưa có nhà làm sao trả tiền công được, và hẹn mai mốt quay lại.

Hôm sau, tôi được tay “cò” khác tên D ở khu Phan Xích Long, dẫn đi giới thiệu  phòng trong căn hộ 4 lầu. Lần này giá chỉ 1,2 triệu đồng nhưng khổ nỗi là phải ở với chủ, chung đụng với hàng xóm, leo lên không biết bao nhiêu nấc thang mới tới được phòng, xe thì gửi bên ngoài bởi vì ông bà chủ ngủ bên dưới nên không có chỗ.

“Mất tự do quá” - tôi tiếp tục không chịu với “cò” D. Không ngờ, “cò” này quyết tâm moi 200.000đ của khách cho bằng được với công giới thiệu nên tiếp tục dẫn tôi đi một căn nhà khác, giá những 2 triệu đồng - một giá tiền quá lớn. Lần này, “cò” D cũng đòi hỏi tiền công là 200.000đ, nếu không đưa thì tôi khó có đường thoát ra khỏi con hẻm này.

Những ngày sau, đổi vùng, tôi dạo lên Gò Vấp vì nơi này nổi tiếng là giá rẻ. Khi thì theo “cò” E, lúc lại “cò” V nhưng những căn nhà nóng như những lò bánh mì, chưa tới 15 m2, mới vào đã thấy hừng hực trên các con đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Lượng… giá xê dịch từ 700.000 - 900.000đ, có thể “cố gắng” ở 2 người nhưng lại quá chật nếu 3 người.

“Cò” V bảo tôi là rất có kinh nghiệm chọn nhà tùy theo yêu cầu của khách và tỏ ra rất vui vẻ, vì “sáng nay, em là người mở hàng cho anh đó!”. Trong những con hẻm sâu hun hút, theo cánh sinh viên thường nói nhà trọ kiểu “đất cày lên sỏi đá”, mà chen chân trong những xóm sinh viên này, đi tới đâu tôi cũng nhận cái lắc đầu vì hết phòng. Mặc kệ, “cò” vẫn lấy tiền công bình thường, một lần là 200.000đ.

Lần khác, “cò” E nhiệt tình dẫn tôi cua vào con hẻm  trên đường Nguyễn Kiệm. Tìm được nhà khá ưng ý, tôi rút tiền đặt cọc 100.000đ để mai quay lại lấy nhà. Lần này, cò V đã đến trước tôi và bên cạnh là một số nữ SV của trường CĐ Vinhempic.

Theo hẹn trước, tôi chuyển đồ đến nhưng chưa kịp chuyển thì chủ nhà này và tay cò E bảo tôi: “Thôi chú mày nhường cho các em nữ nha, rồi anh chỉ cho chú chỗ khác đẹp hơn”. Hóa ra, dù đã đặt cọc tiền, nhưng vì có “kèo thơm” (tiền cao hơn) nên cò E đã thỏa hiệp với chủ nhà gạt người trả tiền trọ thấp để ưu tiên cho người có tiền cao hơn.

Nhận lại tiền cọc, mồ hôi tôi nhễ nhại vì đống đồ nặng nề giữa trưa nắng. Lúc này, “cò” E hiện nguyên hình là… giang hồ khi đòi 200.000đ tiền công. Tôi phải bấm bụng trả trước 100.000đ rồi hẹn ngày mai trả xong.

Thông thường, “cò” luôn ăn hai đầu. Một là tiền công dẫn sinh viên đi xem phòng, hai là tiền bo của chủ nhà. Sinh viên đi thuê nhà được hay không  cũng phải cho tiền “cò” nếu muốn yên ổn. Và thu nhập một “cò” mỗi ngày không dưới 1 triệu đồng từ tiền giới thiệu nhà cho sinh viên.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.