Mới đây, chị Như Lan (ngụ Q.8, TPHCM) bức xúc khi chuyển tiền cho tài khoản “Thảo dể thương” hơn 1 triệu đồng để mua hải sản nhưng người này không giao hàng, khách nhắn gọi nhưng đều không liên lạc được.
“Ngày dịch, tôi thường rảo trên mạng để tìm mua rau củ, thịt cá, hải sản… để hạn chế phải ra ngoài. Trước đây tôi thường đặt online ở siêu thị, nhưng sau này siêu thị quá tải, thời gian giao hàng rất lâu và thiếu nhiều món nên tôi chuyển qua các hội nhóm bán hàng online trên Facebook, Zalo để mua. Trước khi đặt hàng, tôi đều xem qua các comment, phản hồi của khách rồi mới đặt hàng. Thấy có nhiều tin nhắn tích cực nên sau khi trao đổi với người bán, tôi đã chuyển tiền 1 triệu đồng để mua cá, mực tươi... Nhưng chờ hoài không thấy, tôi liên hệ lại thì mới hay Facebook của mình đã bị chặn” – chị Lan than thở.
Tương tự, chị C. (ngụ chung cư Masteri Thảo Điền, TP Thủ Đức) cũng bị Facebook Thảo dể thương lừa tiền khi người này giới thiệu cũng sống trong khu chung cư. Tiếp đó, người này yêu cầu chuyển đủ 100% tiền mới chốt đơn giao hàng. Nhưng ngờ đâu, sau khi chuyển tiền thành công, người bán lập tức chặn mọi liên lạc. Mất tiền nhưng khách không có cách nào gọi được cho người đã nhận tiền.
Nhiều người bức xúc khi biết mình bị lừa |
Mới đây, có khoảng 300 nạn nhân phản ánh, họ đặt mua rau củ quả tài khoản Facebook Hữu Cơ Đà Lạt, bị chủ tài khoản này chiếm đoạt tiền cọc và không giao hàng, số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng/người. Chị D.T.H. (tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 8/7, chị đặt mua rau củ, thịt cá trên trang này và chuyển khoản cho người nhận tên là Cao Thị Mỹ Linh, số tài khoản 05610… với số tiền 10,7 triệu đồng nhưng không được giao hàng, số điện thoại và Facebook bán hàng cũng đồng loạt khóa. “Tôi đã làm đơn trình báo với cơ quan công an để sớm tìm ra thủ phạm” - chị H. nói.
Anh Hưng (ngụ chung cư Ihome 3, Q.Bình Tân, TPHCM) kể, gần đây thấy có nhiều bạn bán thực phẩm giải cứu của nông dân trên Facebook nên đã mua ủng hộ. “Mình cứ nghĩ rằng vừa hỗ trợ nông dân, vừa có thêm thực phẩm gia đình nên mua khá nhiều các loại trái cây gồm nhãn, thịt heo, thịt gà, rau củ… Sau khi chuyển khoản gần 1 triệu đồng, sau 3 ngày hàng được giao đến. Nhưng khi nhận mới hỡi ôi, thịt heo, gà đã bóc mùi, trái cây nhưng cây nhiều hơn trái, còn rau củ thì đa số dập úng. Thật thất vọng nhưng từ nay mình không mua hàng online nữa” – anh Hưng cho biết.
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM phối hợp với Công an TP.Thủ Đức bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (trú tại TPThủ Đức) về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Theo Công an TPHCM, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trộm cắp, lừa đảo. Các thủ đoạn thường là giả dạng nhân viên y tế, mặc đồ bảo hộ đến tận nhà dân, mồi chài phun thuốc phòng dịch, phát thuốc diệt khuẩn, cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin rồi đề nghị đặt cọc. Ngoài ra, một số đối tượng còn đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản…
Trước tình hình trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương khuyến cáo, người dân nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, hãy lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Trước khi lựa chọn hàng hóa, nên tránh mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều. Hãy đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt, cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.