Cánh đồng gieo yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những thửa ruộng bỏ trống, sâu trũng được tuổi trẻ xã Văn Sơn (Đô Lương, Nghệ An) biến thành cánh đồng lúa vàng ươm. Mô hình “Mượn đất gây quỹ” đã giúp Đoàn xã có thêm nguồn thu ổn định, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo khí thế cho Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2022.

Trên diện tích đất hơn 7.000m2 (ở xóm 2, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), từng là nơi người dân tận dụng để gieo mạ, đã được các bạn trẻ “phù phép” thành cánh đồng lúa vàng ươm, trĩu hạt.

Cánh đồng gieo yêu thương ảnh 1

Cánh đồng lúa vàng ươm của tuổi trẻ xã Văn Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An)

Chia sẻ về mô hình này, anh Bùi Đăng Khánh, Bí thư Đoàn xã Văn Sơn cho biết: “Cánh đồng lúa xã Văn Sơn là mô hình thí điểm đầu tiên ở huyện Đô Lương về mượn đất trống để canh tác gây quỹ. Mô hình vừa khuyến khích người dân không bỏ trống ruộng đất, vừa tăng tính đoàn kết và tạo quỹ để ủng hộ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.

Theo anh Khánh, lâu nay, kinh phí ở cấp Đoàn cơ sở luôn hạn hẹp, trong khi các hoạt động lại được tổ chức thường xuyên. Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động Đoàn cũng như việc tập hợp thanh niên gặp nhiều khó khăn. Được Đảng ủy - UBND xã Văn Sơn tạo điều kiện, Đoàn xã đã mượn diện tích đất của xã, huy động hàng chục ĐVTN ra quân, biến vùng đất trống thành cánh đồng lúa tươi tốt.

“Đoàn xã Văn Sơn đã có việc làm giàu tính nhân văn, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhân lên những hành động đẹp trong mỗi đoàn viên, thanh niên để tiếp tục chia sẻ yêu thương”.

Chị Trần Thị Huyền Mơ, quyền Bí thư Huyện Đoàn Đô Lương

“Để bước đầu có vốn triển khai cánh đồng lúa, chúng tôi vận động từ cán bộ, đoàn viên, thanh niên các chi Đoàn. Sau đó, mỗi người một việc, người cấy lúa, người bón phân… chúng tôi có một cánh đồng lúa trĩu hạt”, anh Khánh chia sẻ. Chỉ sau 3 tháng ruộng lúa cho thu hoạch khoảng 4,3 tấn, bán lúa tươi cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, trừ chi phí các loại thu về hơn 21 triệu đồng.

Theo anh Khánh, tuy số tiền chưa nhiều, nhưng nhờ nguồn quỹ này, Đoàn xã đã chủ động hơn mỗi khi tổ chức các hoạt động như thăm, tặng quà các học sinh nghèo khó khăn, các gia đình thương bệnh binh, hay tổ chức vui chơi giải trí kết nối tinh thần đoàn kết...

Nhân rộng mô hình

Hưởng ứng phong trào “Đoàn viên đảm nhận chăm sóc thường xuyên con em các thương bệnh binh, đối tượng chịu di chứng chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi”, Đoàn xã đã đảm nhận và chăm sóc em Trần Ngọc Tú, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Văn Sơn. Mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng với nghị lực của mình, Tú vẫn vươn lên đạt học sinh giỏi. Đoàn xã trích một phần kinh phí từ mô hình “Mượn đất gây quỹ” hỗ trợ em Tú.

“Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ cho em Tú đến lúc em hoàn thành xong chương trình THPT. Năm qua, Đoàn xã đã hỗ trợ em Tú một chiếc xe đạp, sách vở, bàn học… Dù sự hỗ trợ không nhiều nhưng là tấm lòng của anh chị đoàn viên thanh niên, tạo động lực thúc đẩy em Tú phấn đấu trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi”, anh Khánh nói.

Chị Trần Thị Huyền Mơ, quyền Bí thư Huyện Đoàn Đô Lương (Nghệ An) cho biết, thực tế kinh phí hoạt động Đoàn cấp xã, thị trấn rất eo hẹp. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức và chất lượng các hoạt động, phong trào thanh thiếu nhi. Giải quyết bài toán khó này, các cơ sở Đoàn đã có nhiều cách gây quỹ hoạt động như: Rửa xe gây quỹ, bán nước gây quỹ, vẽ tranh trên đá gây quỹ... và đặc biệt là mô hình mượn đất nông nghiệp để canh tác ở Văn Sơn.

“Mô hình mượn đất gây quỹ là một trong những sáng kiến hay được Đoàn xã Văn Sơn thực hiện. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ áp dụng mô hình rộng khắp trong toàn huyện”, chị Mơ nói thêm.

MỚI - NÓNG