Canh chân trời Tổ quốc

Trạm radar 590 Ảnh: T.C
Trạm radar 590 Ảnh: T.C
TP - Bất kể thời tiết, trên đỉnh cao nhất của núi Thánh Giá (Côn Đảo), chiến sĩ Trạm radar 590 (Tiểu đoàn 251, Vùng 2 Hải quân) vẫn không một phút ngơi nghỉ để bám sát mục tiêu. Người dân Côn Đảo quen gọi họ là lính canh chân trời Tổ quốc.

> Trường Sa vươn bóng Bồ Đề

Cõng nước dò đường

Qua 45 phút chặng bay từ TPHCM, hiện dưới tầm mắt chúng tôi là Trạm radar Côn Đảo 590.

Giữa bạt ngàn màu xanh của biển, của rừng, cánh sóng radar như một chấm nhỏ quay đều mãnh liệt trên không trung. Phía chân núi Thánh Giá, 5 chiến sĩ mồ hôi nhễ nhại đang cõng từng can nước ngọt lên đỉnh cao để thay quân.

Đóng quân trên đỉnh núi Thánh Giá, điểm cao 557 m so với mực nước biển, Trạm radar 590 quanh năm bị sương mù bao phủ. Thời tiết ở đây cực kỳ khắc nghiệt.

Sáng lạnh giá, trưa nắng nóng, chiều sương mù bao phủ, đêm rét run người. Ở trên đỉnh núi cao nhất Côn Đảo này khó khăn nhất là thiếu nước ngọt.

Để có nước ngọt sinh hoạt trong một tuần, các chiến sĩ phải đổ nước vào can nhựa rồi gùi trên lưng từ chân núi vượt hơn 4,5 km đường rừng ngoằn ngoèo, vách đá dựng đứng, dò từng bước trong sương mù dày đặc. Người cách người vài mét là không nhìn thấy nhau.

Trung tá Trần Văn Đấu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là nước ngọt. Với chiếc bể 10 khối nước trên đỉnh núi, anh em phải dùng trong 6 tháng mùa khô. Chúng tôi chia nhau từng ca nước ngọt. Cách duy nhất là dùng sức bộ đội cõng gạo, nước lên trạm. Tuy khó khăn, vất vả, nhưng chưa bao giờ anh em chùn bước. Chúng tôi xác định trạm là nhà, đồng đội là anh em ruột thịt, nhiệm vụ là trên hết. Càng khó khăn gian khổ càng thương yêu đồng đội, càng vững ý chí niềm tin”.

Phòng máy là vị trí chiến đấu

Trạm radar 590 Ảnh: T.C
Trạm radar 590.  Ảnh: T.C.
 

Trạm radar Côn Đảo 590 trước đây thuộc biên chế của Vùng E Hải quân. Từ ngày Vùng 2 thành lập, trạm trực thuộc tiểu đoàn 251.

Với nhiệm vụ quan sát mặt biển và không phận thấp, các chiến sĩ phải trực canh quan sát liên tục 24/24 giờ, nắng cũng như mưa bão, ngày cũng như đêm không được rời vị trí chiến đấu, dù chỉ một giây phút.

Để bảo đảm sức bền để canh trực trên điểm cao, anh em đã chia mỗi ca trực 5 người/tuần. Chiều thứ sáu, ca trực cũ ở trên núi bảo quản khí tài, ca trực mới đổ nước vào can, gói buộc gạo, thực phẩm mắm muối cõng lên trạm thay cho phiên trực cũ.

Chiến sĩ Trần Xuân Nhất cho biết: “Để kịp thời báo cáo tình hình hoạt động trên biển và không phận thấp trong khu vực Côn Đảo, xử lý tốt các tình huống xảy ra, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không rời vị trí trực máy. Vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu”.

Do nhiệm vụ của trạm là duy trì nghiêm ngặt chế độ trực canh bằng khí tài điện tử và quan sát mắt thường nên bộ đội thường xuyên bám nắm đơn vị.

Nhiều chiến sĩ có gia đình ở ngay chân núi Thánh Giá mà một tuần, thậm chí nửa tháng mới về thăm vợ con một lần.

Thiếu úy chuyên nghiệp Lưu Kim Chung tâm sự: “Tiếng là ở gần nhà nhưng không phải ngày nào, tuần nào cũng về thăm nhà được, nhiều khi nhiệm vụ đột xuất và thiếu người, 2 tuần tôi mới về thăm vợ con một lần. Hầu hết anh em ở trạm radar đều vậy”.

Ngoài nhiệm vụ trực canh quan sát, chiến sĩ Trạm radar 590 thường xuyên tăng gia nuôi gà, trồng rau, xây dựng cảnh quan môi trường để cải thiện đời sống.

Mai Tuấn Cường
1086 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.