Tổng giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: DW) |
Viết trên Twitter, Tổng giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết bà “quan ngại sâu sắc” về tác động của chiến sự đối với người dân Ukraine, cảnh báo rằng xung đột hiện nay “gây ra những rủi ro kinh tế đáng kể đối với khu vực và thế giới”.
Bà cho biết IMF sẽ tiếp tục đánh giá tác động kinh tế, nhưng “sẵn sàng hỗ trợ các thành viên nếu cần thiết”.
Định chế này đang trong quá trình chuẩn bị để cung cấp 2,2 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine theo chương trình cho vay kết thúc vào tháng 6.
Bà Georgieva khẳng định IMF có thể hỗ trợ các nước khác chịu tác động lan toả từ cuộc xung đột, nếu cần.
Chủ tịch WB David Malpass nói trong một thông cáo rằng tổ chức này “cảm thấy kinh hoảng trước bạo lực và thiệt hại về con người”, đồng thời cảnh báo “những diễn biến tàn phá ở Ukraine sẽ gây ra những tác động sâu rộng về kinh tế và xã hội”.
Cuộc xung đột đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014, gây thêm áp lực lên tình trạng lạm phát vốn đã trầm trọng trên thế giới.
Tháng 1 vừa qua, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của năm 2022 xuống 4,4%, thấp hơn nửa điểm so với dự báo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái, vì những trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đối với Mátxcơva, bao gồm đóng băng tài sản của các ngân hàng lớn và cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Mátxcơva đã chuẩn bị trong nhiều năm qua để đối phó với những biện pháp trừng phạt, bằng cách tích trữ tiền mặt và vàng, trong khi giữ mức vay thấp.
Cuộc xung đột cũng thay đổi tính toán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong đối phó với lạm phát.
Trong tháng tới, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng có thể sẽ hành động quyết liệt hơn nếu khủng hoảng Ukraine gây gián đoạn hàng hoá và khiến giá cả hàng hoá tăng.