Cảnh báo thương lái nước ngoài mua rễ tiêu nhằm phá hoại

Thương lái thu mua rễ tiêu.
Thương lái thu mua rễ tiêu.
TP - Sở NN& PT NT Gia Lai vừa có văn bản cảnh báo hiện tượng thu mua rễ cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gửi đến các huyện, thành phố và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật.

Theo đó, văn bản thông báo “Thương lái mua gốc, thân cây hồ tiêu chết khô có thể sẽ đem băm xay thành bột để trộn vào tiêu xay làm gia vị, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người trong khi tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trước đó còn quá lớn”.

Văn bản cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt các đối tượng có hành vi thu mua gốc rễ cây hồ tiêu tại địa phương mình; xác minh, làm rõ mục đích thu mua gốc rễ tiêu của các đối tượng để cảnh báo cho nhân dân được biết và xử lý theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện có người nước ngoài thu mua gốc rễ hồ tiêu thì báo cho cơ quan chức năng biết, xử lý; hướng dẫn người dân tự xử lý thân, gốc rễ tiêu đã chết, gom đốt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, xới xáo đất để có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.

Ngày 10/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Khanh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai xác nhận rằng có trường hợp thu gom rễ cây hồ tiêu số lượng lớn bán cho người Trung Quốc. Riêng tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh phát hiện số lượng lớn khoảng 500kg. Trước tình trạng trên, phòng nông nghiệp huyện đã trình báo vụ việc lên UBND huyện, Công an huyện Chư Pưh.

Ông Khanh cũng đặt nghi vấn việc mua rễ tiêu có thể là hành vi phá hoại nhằm phát tán dịch bệnh. Bởi trước đây, ở huyện Chư Sê, Gia Lai cũng xảy ra việc tương tự. “Hiện tại, chúng tôi chưa nắm được giá bán mỗi kg rễ tiêu cụ thể như thế nào. Bước đầu, huyện đã tuyên truyền đến từng thôn xã, khi phát hiện vụ việc phải trình báo ngay đến chính quyền để có biện pháp xử lý”, ông Khanh nói.

Được biết, những năm gần đây, địa bàn hai huyện Chư Sê và Chư Pưh của tỉnh Gia Lai có hàng trăm ha cây hồ tiêu bị chết. Nguyên nhân được nhà chức trách xác định là do người dân bỏ quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình. Giải pháp hiện tại là tận dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, giúp bộ rễ hồ tiêu phát triển mạnh, bám chắc vào đất. 

Văn bản của Sở NN&PTNT Gia Lai  cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt các đối tượng có hành vi thu mua gốc rễ cây hồ tiêu tại địa phương mình; xác minh, làm rõ mục đích thu mua gốc rễ tiêu của các đối tượng để cảnh báo cho nhân dân được biết và xử lý theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG