Theo thông tin được công bố trên website của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế thì độc tố gây ngộ độc là Cyanid có trong măng tươi, người bị ngộ độc do sử dụng măng tươi không qua quá trình ngâm luộc, hoặc uống nước luộc măng. Trẻ em và người suy dinh dưỡng bị ngộ độc nặng hơn. Cyanid có trong măng tươi được hấp thụ nhanh qua đường tiêu hoá vào máu rồi đến các cơ quan.
Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo người dân, khi ăn măng từ vài phút đến vài giờ mà có hiện tượng như: Đau đầu, nôn, khó thở, lẫn, tụt huyết áp, hôn mê, co giật và sốc. Hơi thở có thể có mùi quả hạn đắng, trường hợp ngộ độc nhẹ có thể xảy ra sau ăn vài giờ cần lập tức đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho các cơ quan chức năng biết.
Cục cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc, các đơn vị truyền thông tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến măng như: ngâm và luộc nhiều lần, đổ nước mỗi lần luộc, khi sôi nên mở vung.
Khi nghi ngờ măng độc tuyệt đối không sử dụng để ăn; Đầu tư, kiểm soát an toàn măng ăn trồng, khi thu hoạch cần kiểm tra, giám sát măng độc, kể cả việc buôn bán măng; Tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do măng độc.
Măng là nguyên liệu thực phẩm được dùng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, một số loại măng có thể gây ngộ độc thực phẩm nặng thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời, khuyên cáo người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng thực phẩm này.