Cảnh báo, nhiều người lớn mắc sởi nhập viện

TP - Ngày 10/1, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ vài tháng nay gia tăng số bệnh nhân sởi đến khám. Trung bình mỗi tháng khoảng 10 trường hợp. Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày vừa qua có 8 ca sởi nặng nhập viện.
Ảnh minh hoạ: Internet

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, điều kiện thời tiết đông - xuân như hiện nay rất dễ bùng phát virus sởi. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mãn tính. Bệnh nhân N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đang mang thai lần thứ 2 ở tuần thứ 25. Một tuần trước, sản phụ sốt cao, nốt ban mọc từ mặt, cổ, lan xuống toàn thân. Bệnh nhân khám và nhập viện Bạch Mai từ 3 ngày nay để được theo dõi sát sao đề phòng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhiễm trùng. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi. Hầu hết bệnh nhân không nhớ đã tiêm sởi hay chưa. PGS.TS Đỗ Duy Cường nhận định: “Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có “lỗ hổng miễn dịch” khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây mình có tiêm phòng hay chưa. Trong khi đó, các bệnh nhân đa số đều tiếp xúc nguồn lây từ con nhỏ, hàng xóm, nơi tập trung đông người”. 

Đặc biệt có một số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt do virus, rubella. Khi đến khoa Truyền nhiễm thì các bác sĩ phát hiện những triệu chứng sởi điển hình. TS Cường chia sẻ, ở trẻ em, khi phát ban thì phát hiện ra ngay, không khó, nhưng với người lớn thì hay bị bỏ qua.

Bác sĩ Cường nhận định, 6 bệnh nhân nặng ở khoa là số lượng nhiều vì năm 2014, khi dịch sởi bùng phát cả nước có khoảng 100 trường hợp người lớn. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 50 người. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tình hình sởi năm 2018 có tăng đột biến không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh miền Bắc với 5.100 trường hợp sốt phát ban, sởi. Trong khi năm 2017 chỉ hơn 300 ca. Với hiện tượng gia tăng bệnh nhân sởi từ trong thời gian gần đây dịch sởi có thể xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

Điều trị muộn, biến chứng nặng
Bác sĩ Cường cho biết, đối với người lớn, nếu mắc sởi thì biến chứng thường gặp nhất là viêm não gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp làm bệnh nhân có thể tử vong (trong khi với trẻ nhỏ biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi). Virus sởi có trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ mũi và miệng của người bệnh mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi nên mọi người dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Hoặc có thể nhiễm sởi nếu như để tay mình tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ. Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong vòm họng và trong phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.

Những người mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người bệnh cần tránh đến trường học, cơ quan… trong vòng ít nhất là 4 ngày từ thời điểm vết ban đầu tiên xuất hiện nhằm tránh lây bệnh cho người khác. Sau khi hết ban vẫn có thể ho kéo dài thêm 1-2 tuần.