Cảnh báo dùng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài

Cảnh báo dùng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài
TP - Tập đoàn, tổng Cty nhà nước đang có xu hướng gia tăng đầu tư ra nước ngoài. Trong tổng vốn đăng ký lên tới hơn 10 tỷ USD, doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 60-70%. Nhưng lợi nhuận chuyển về nước rất thấp, trong khi việc quản lý giám sát khó khăn...

Đua nhau đầu tư ra nước ngoài

Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 1989- 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều ở một số thị trường truyền thống (Lào, Campuchia, Nga...). Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước hướng ra các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Australia, châu Phi, châu Âu.

Điển hình, Tập đoàn Sông Đà, đầu tư 3 dự án điện tại Lào (gồm Xekaman 1, Xekaman 3, Sekong 3), với tổng vốn đầu tư 1,03 tỷ USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào 24 dự án ở 17 nước, với tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) dự định trong giai đoạn 2010- 2015, đầu tư ra nước ngoài khoảng 500 triệu USD...

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, cho biết tính riêng giai đoạn 2006- 2010, đã có trên 410 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 7,05 tỷ USD. Các lĩnh vực được các doanh nghiệp quan tâm chủ yếu là khai khoáng (khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí...); nông - lâm nghiệp; thủy sản; dịch vụ thông tin và truyền thông; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm.

Đáng lưu ý, gần đây xu hướng chuyển vốn ra nước ngoài đầu tư tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), chỉ trong hai tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp VN đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại 16 dự án, với số vốn đăng ký trên 1,264 tỷ USD (chỉ thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào VN cùng thời điểm - PV).

So với 10 năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu làn sóng đầu tư ra ngoài lãnh thổ, hai tháng đầu năm 2011, lượng vốn đăng ký đã gấp khoảng 93 lần. Nếu tính cả giai đoạn 1999-2005, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt chỉ bằng khoảng 58% lượng vốn đăng ký của hai tháng đầu năm 2011.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, điều đặc biệt là các nhà đầu tư VN chỉ tập trung vốn cho những dự án lớn. Nếu tính bình quân, số vốn mỗi dự án đầu tư mới hai tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 79 triệu USD. Con số này lớn hơn nhiều so với các dự án đầu tư của nước ngoài vào VN trong cùng thời kỳ, chỉ đạt bình quân 14,6 triệu USD/dự án.

Hiệu quả thấp

Theo Bộ KH-ĐT, tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp, giai đoạn 1989- 2010 chỉ đạt 2,02%. Mới có 300/500 dự án báo cáo lợi nhuận lũy kế chuyển về nước đạt 39 triệu USD.

Số vốn của 5 Tập đoàn nhà nước (Dầu khí quốc gia, Công nghiệp than và Khoáng sản, Công nghiệp Cao su, Viễn thông quân đội, Sông Đà) chuyển ra nước ngoài đến nay ước khoảng 1,35 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài của các thành phần kinh tế, nhưng hầu hết chưa có lợi nhuận. Riêng lĩnh vực dầu khí có số vốn chuyển ra nước ngoài lớn nhất với 1,03 tỷ USD nhưng lợi nhuận chuyển về nước mới chỉ được 38,8 triệu USD.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, về ngắn hạn, đã và đang tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra nước ngoài và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài, tạo sức ép lên cán cân thanh toán vốn đang bị thâm hụt lớn.

Bên cạnh nỗi lo lợi nhuận và hiệu quả, Bộ KH-ĐT còn lo lắng về khả năng giám sát các dự án. Bộ KH-ĐT từng ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư của 516 dự án đầu tư ra nước ngoài báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động của dự án.

Tuy nhiên, chỉ có 300 dự án thực hiện báo cáo; 149 dự án không phản hồi; 69 dự án không còn ở địa chỉ cũ. Thậm chí, một số dự án đã chuyển tiền ra nước ngoài nhưng không hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn mà không báo cáo.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), đến thời điểm hết tháng 2-2011, đã có 575 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 23,7 tỷ USD, trong đó phần vốn của nhà đầu tư Việt Nam đã vượt 10 tỷ USD.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG