Cảnh báo đổi rừng tự nhiên lấy điện​ mặt trời

TP - Làn sóng đầu tư điện mặt trời (ÐMT) đang nở rộ trên Tây Nguyên (nơi được ví “mỏ vàng” của ngành năng lượng tái tạo). Tuynhiên, nhiều dự án ÐMT lập ngay trên đất có rừng tự nhiên, đất phát triển rừng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất quốc phòng…  
Một dự án điện mặt trời Ðắk Lắk. Ảnh: Huỳnh Thủy

Đến huyện Cư Jút (Đắk Nông) hay Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk), dễ bắt gặp những cánh đồng ngút ngàn một màu xanh của tấm pin ĐMT thay thế vùng đất trống. Cách đó không xa, nhiều công nhân đang hối hả “chạy đua” để đạt mục tiêu đưa công trình phát điện vào cuối năm 2020 (nhằm hưởng mức giá bán điện ưu đãi) và nhiều dự án khác tiếp tục hình thành.

Tại Đắk Lắk, có nhà đầu tư đang xin chủ trương khảo sát, lập dự án ĐMT quy mô công suất dự kiến tới 1.000 MW. Điều đáng nói, nhiều dự án được lập có đất rừng, đất phát triển rừng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất quốc phòng…

Đầu tháng 10/2020, rất may, UBND tỉnh Đắk Lắk không đưa 2 dự án ĐMT Ia Lơi và Ea Bung (do Cty Cổ phần Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê đề xuất đầu tư) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Những dự án này được lập có đất rừng, đất phát triển rừng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất quốc phòng, chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Đơn cử, nhà máy ĐMT Ia Lơi dự kiến sử dụng 957 ha đất (trong đó, 247,7 ha đất có rừng tự nhiên, 58,3 ha đất rừng trồng cao su, đất chưa có rừng 651 ha).

UBND tỉnh này yêu cầu, nếu dự án trên thực sự cần thiết, khả thi, có khả năng thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, Sở Công Thương phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu (UBND tỉnh) xin ý kiến cấp trên chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bổ sung dự án vào quy hoạch.

Hiện trường vụ cháy pin mặt trời Gia Lai   Ảnh: Tiền Lê

Cần cân nhắc kỹ

GS.TS Bảo Huy (Khoa Nông-Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) nêu ý kiến, rừng và năng lượng đều rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời. Với những khu vực là nơi sinh sống của động vật hoang dã, rừng đầu nguồn, phòng hộ… ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái, đời sống của người dân thì không nên đánh đổi để lấy năng lượng.

Bên cạnh các dự án quy mô lớn, Tây Nguyên cũng bùng nổ nhiều dự án ĐMT công suất vừa và nhỏ. Tuy nhiên nhiều quy định hiện đang bị vướng, điển hình, việc phân biệt giữa hệ thống ĐMT mái nhà và ĐMT nối lưới chưa rõ ràng khiến các công ty điện lực lúng túng trong việc áp giá đúng theo quy định để làm hợp đồng mua bán.

Theo thống kê của Sở Công Thương Đắk Lắk, toàn tỉnh có 5 dự án ĐMT (tổng mức đầu tư 4.390 tỷ đồng) đã hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 190 MWp (trong đó có 3 nhà máy ĐMT lớn có công suất 50 gồm: Sêrêpốk 1, Quang Minh, Long Thành 1); 6 dự án đang thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành trước tháng 12/2020 (cụm nhà máy ĐMT xuân Thiện-Ea Súp có tổng công suất 600MW); 20 dự án (tổng công suất 10.448MW) UBND tỉnh đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tìm ra nguyên nhân vụ cháy pin mặt trời tại công trình ÐMT mái nhà của Cty cổ phần Ðiện Gia Lai (Cụm Công nghiệp Diên Phú, xã Diên Phú, TP Pleiku). Vụ cháy xảy ra ngày 23/9/2020 đã làm hư hỏng 60 tấm pin mặt trời, 450 m cáp điện, ước tính thiệt hại hơn 94 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định do lỗi hệ thống, thiết bị điện. Cụ thể, mối nối của các dây dẫn từ các tấm pin đến bộ phận xử lý inverter chưa đảm bảo, dẫn đến thoát nhiệt gây phóng điện và cháy. Lỗi này xảy ra trong quá trình lắp đặt cũng như thiết bị không đảm bảo chất lượng. Ðược biết, công trình ÐMT mái nhà trên được lắp đặt năm 2019 và đang kinh doanh.

Lê Tiền