Căng thẳng ở Trung Đông: Một cuộc xung đột dần hiện hình

Hiện trường vụ ám sát ông Fakhrizadeh ảnh: New York Times
Hiện trường vụ ám sát ông Fakhrizadeh ảnh: New York Times
TP - Tổng thống đắc cử của Mỹ muốn tái hợp tác với Iran, nhưng Israel có kế hoạch khác. Đó là nhận định trong bài bình luận đăng trên Foreign Policy.

Theo tờ tạp chí chuyên về chính sách ngoại giao của Mỹ này, nếu một điều có thể học được từ vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran ngày 27/11, thì đó là: Israel và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang có một cuộc xung đột về chính sách với Iran.

Các nhà phân tích ở Israel đánh giá cao thời điểm ra tay, được nhiều người cho là của tình báo Israel, trước sự thay đổi sắp tới của chính quyền ở Washington và kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đưa nước Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015. Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi  thỏa thuận này vào năm 2018, với sự hậu thuẫn từ chính phủ Israel, với lý do có những sai sót trong thỏa thuận.

Sau cuộc bầu cử gần đây ở Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rõ ràng rằng ông phản đối bất kỳ sự tái liên kết nào với Iran.

“Không thể có chuyện quay lại thỏa thuận hạt nhân trước đó. Chúng tôi phải tuân theo một chính sách không khoan nhượng nhằm đảm bảo Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân ”, ông Netanyahu nói hồi đầu tháng.

Trong lần xuất hiện chung với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Jerusalem (thủ đô của Israel) vào đầu tháng này, thủ tướng Israel bày tỏ sự cảm kích đối với chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Washington về việc gia tăng các lệnh trừng phạt Iran.

Ông Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông đã chỉ ra rằng “áp lực tối đa” và yêu cầu “12 điểm” của đương kim ngoại trưởng Pompeo đối với Iran - bao gồm việc ngừng các chương trình hạt nhân, phát triển tên lửa và hỗ trợ cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm trong khu vực - sẽ không nằm trong nỗ lực ngoại giao mới.

Tổng thống đắc cử Biden đã gọi việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là một “thảm họa tự gây ra” và nói rằng, khi nào chính thức nắm quyền, ông sẽ “cung cấp cho Tehran (Iran) một cơ hội đáng tin cậy để trở lại con đường ngoại giao”. Cả ông Biden và người sắp tới là ngoại trưởng của ông, Antony Blinken đều nói Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận (và gần như chắc chắn đưa ra một số biện pháp giảm nhẹ trừng phạt) nếu Iran tiếp tục tuân thủ các hạn chế quy định trong hiệp định. Thỏa thuận đó sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm “củng cố và mở rộng” các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân và các lĩnh vực quan tâm khác.

Netanyahu và các quan chức Israel khác coi động thái này như một sự phủ nhận tất cả các đòn bẩy bề ngoài đã thu được trong hai năm qua dưới thời ông Trump. Vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, được coi là cha đẻ của chương trình hạt nhân quân sự của Iran, có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.              

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.