Căng thẳng Mỹ - Iran: Ông Trump sẽ 'giơ cao đánh khẽ'?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tướng Iran Quassem Soleimani Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tướng Iran Quassem Soleimani Ảnh: Getty
TP - Sáng qua (giờ địa phương), Iran phóng tên lửa đất đối đất từ lãnh thổ của mình nhằm thẳng vào lực lượng Mỹ nên nếu trả đũa, Mỹ sẽ không kích mục tiêu trên đất Iran. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cả Washington và Tehran sẽ kiềm chế, không tiến thêm một bước về phía chiến tranh toàn diện.

“Nếu Iran làm bất cứ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ gánh hậu quả rất nặng nề”, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên trong Phòng Bầu dục ngày 7/1 (giờ Mỹ). Phương châm của ông là nếu ta bị tấn công, ta sẽ giáng trả đau hơn. “Ông Trump đã đặt ra tiêu chuẩn và ông ấy sắp trả đũa quy mô lớn. Nếu ông ấy không làm điều ấy, tôi nghĩ rằng, ông ấy trông rất yếu ớt”, một nguồn tin, người mà gần đây nói chuyện với Tổng thống Mỹ, nói với CNN.

Không như một số người dự đoán, Mỹ không lập tức trả đũa Iran. “Giờ là lúc kiên nhẫn và kiềm chế”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói. Tổng thống Trump dường như thở phào nhẹ nhõm trước thực tế không có người Mỹ nào thiệt mạng trong vụ không kích sáng qua, dù truyền thông Iran đưa tin có thương vong. Việc phía Mỹ và phía Iraq khẳng định rằng không có người Mỹ tử vong có thể giúp ông Trump có thêm điều kiện để tránh phát động một cuộc tấn công trả thù quy mô lớn nhằm vào Iran.

Sau vụ không kích sáng qua, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Iran, tướng Mohammad Baqeri, nói rằng, nếu Mỹ trả đũa Iran, phản ứng của Tehran “sẽ mạnh mẽ hơn và gây sửng sốt hơn”, hãng tin IRNA đưa tin. Các động thái của Washington sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ đánh giá như thế nào về vụ tấn công của Iran vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq. 

Tổng thống Trump cũng có thể chọn cách chấp nhận cuộc tấn công sáng qua của Iran như là một cách phản ứng được lên kế hoạch kỹ càng của nước này đối với việc Mỹ không kích ám sát tướng Soleimani. Và như thế, ông sẽ tạm thời không sử dụng đến sức mạnh quân đội Mỹ, giới quan sát nhận định. 

Sáng qua, Iran nhằm thẳng vào lực lượng Mỹ ở Iraq để bắn phá, nhưng không gây chết người. Điều này cho thấy dường như Iran có khả năng gây ra thương vong lớn cho người Mỹ nhưng họ đã không làm.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, thúc giục Tổng thống Trump lùi lại một bước, tránh đối đầu Iran trước khi quá muộn. “Chúng ta đang ở giao điểm rất quan trọng, nơi chúng ta vẫn còn cơ hội thể hiện trách nhiệm và theo đuổi các kênh ngoại giao. Người Mỹ không thích dính dáng một cuộc chiến bất tận nữa ở Trung Đông mà không có mục tiêu hoặc chiến lược rõ ràng”, nghị sĩ Menendez tuyên bố.

Một câu hỏi then chốt được đặt ra trong những ngày tới là liệu Tổng thống Trump có thể đoàn kết cả nước nếu tình hình trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, ít có khả năng tình hình thêm tồi tệ vì vụ không kích của Iran dường như được tính toán kỹ để chủ yếu gây áp lực chính trị với Tổng thống Mỹ, giới phân tích nhận định. Có lẽ Iran tin rằng, ông Trump không muốn đi vào lịch sử với tư cách khơi mào chiến tranh. Iran cũng nhấn mạnh rằng, họ phản ứng với cái chết của tướng Soleimani theo cách phù hợp và không có ý định gây chiến. “Chúng ta không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ, chống lại bất kỳ sự xâm lược nào”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter. Đây có thể được coi là một dạng đề nghị đình chiến không chính thức.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.