Càng lắc càng... tổn thọ

Càng lắc càng... tổn thọ
Với cái tên “điên khùng” (ecstasy), thuốc lắc khiến người ta hưng phấn, kích động trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sau đó là những hậu quả nặng nề với sức khoẻ và tinh thần người sử dụng.
Càng lắc càng... tổn thọ ảnh 1

Theo Đại tá Hoàng Mạnh Hùng - PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy thuộc Bộ Công an - thuốc lắc có mặt ở nước ta từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2000.

Một trong những vụ án có thể coi là đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của thuốc lắc ở nước ta là khi Công an TPHCM bắt giữ hơn 3 tạ thuốc lắc năm 1995.

Đến nay, vụ án này đối với những nhân viên thuộc Trung tâm Giám định ma túy, vẫn không thể nào quên. Bởi họ là một trong những người đầu tiên tham gia vào công việc giám định, phân loại loại thuốc này.

Thượng úy Nguyễn Xuân Trường - Nhân viên Trung tâm Giám định ma túy -  cho biết, thuốc lắc nằm trong nhóm ma túy kích thích thần kinh có tên gọi hóa học là nhóm ATS (Amphetamin Type Stimulant).

Nhóm ATS dựa trên hoạt chất sử dụng chính lại được phân tiếp thành hai nhóm khác: nhóm 1 gồm Amphetamin và Methamphetamin (còn gọi là hồng phiến) hoặc những chất tương tự khác; nhóm 2 chính là thuốc lắc được bào chế cải tiến so với nhóm 1 về công thức hóa học: lấy Methylenedioxy methamphetamine (MDMA) làm hoạt chất chính để tăng sự kích thích tột độ đối với cơ quan thần kinh.

Ngoài ra có thể sử dụng các chất có tên hóa học viết tắt: MDA, MBDB, MDEA... thay thế cho chất nói trên. Chính vì thế giải thích tại sao thuốc lắc lại mang tên “điên khùng” (ecstasy) theo nghĩa tiếng Anh. 

Một nhà khoa học ở Bệnh viện 103 cho biết, thuốc lắc xuất xứ là thuốc kích thần kinh do một tiến sĩ sinh hóa người Mỹ bào chế năm 1976 với tác dụng làm tăng một cách giả tạo sự hưng phấn và sức khỏe để giúp người ta có thể làm việc năng suất, tỉnh táo hơn.

Tuy nhiên, về sau loại thuốc này đã bị lạm dụng như một chất kích thích để người ta có thể thực hiện những việc làm không trong sáng. Và khi đó như “con dao hai lưỡi”, thuốc  lại “phát tiết” các độc tố của mình. Vì nguyên nhân này, thuốc lắc bị cấm sử dụng.

Do bị cấm như vậy mà thuốc lắc được sử dụng không công khai và hầu như đều dùng để “bay” (lắc) như đã thấy ở Việt Nam hoặc thay thế như một thứ ma túy mới trong khi các chất gây nghiện truyền thống: heroin, thuốc phiện bị truy quét gắt gao.

Sau khi uống khoảng 25 phút, thuốc lắc sẽ ngấm vào thành ruột gần như 100% rồi theo máu lên não (nếu uống với bia thì chỉ... 5 phút).

Với hoạt chất chính MDMA, chất này tác động nhanh chóng vào các tế bào thần kinh trung ương và gây hưng phấn. Sự hưng phấn sẽ khiến cho người sử dụng muốn hoạt động, nói cười... và cả... đánh nhau nếu bị kích động.

Nếu có ngoại cảnh tác động chẳng hạn như âm thanh rầm rộ, ánh sáng mờ ảo... thì sự hưng phấn ấy càng lên đến tột độ. Đó chính là lý do tại sao “dân lắc” muốn thông qua thuốc để tìm cảm giác mạnh.

Nhưng cảm giác mạnh như vừa nói chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định: từ hàng giờ đến hàng chục giờ đồng hồ tùy thuộc vào tỷ lệ MDMA có trong thuốc.

Theo Thượng úy Nguyễn Xuân Trường, hàm lượng MDMA có trong thuốc lắc dao động từ 10 - 40%. Và cũng qua hàm lượng này, thuốc được sản xuất thành những loại màu xanh, tím, da cam, vàng hoặc hình quả tim... để cho dễ nhớ, dễ nhận biết.

Sau khi hết công hiệu, thuốc sẽ làm người sử dụng lâm vào tình trạng mệt mỏi, ủ rũ và thèm ngủ. Một người khi đã lên “hết dây cót” cho hoạt động của mình sau đó trở nên rời rạc, nhão nhoét thì đó chính là trạng thái của người hết tác dụng của thuốc lắc.

Tuy nhiên, đây chỉ là tác hại mà người ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Còn tác hại lớn hơn về những tổn thương trong cơ quan nội tạng của cơ thể người mà phải có thời gian mới phát tác thì khó ai có thể nhận biết ngay được.

Càng lắc càng... tổn thọ ảnh 2
Thuốc lắc làm hủy hoại con người cả về thể xác và tinh thần

Trước hết là thần kinh. Do tác động trực tiếp đến thần kinh, lại thần kinh trung ương, thuốc lắc sẽ làm cho chất dẫn truyền serotonin trong não bị tổn thương dẫn đến tình trạng mất trí, hoảng loạn về thần kinh. Sau đó các cơ quan gan, tim, phổi... đều bị ảnh hưởng.

Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu sử dụng thuốc lắc trong thời gian dài với liều lượng tăng dần, cơ thể con người  sẽ nhanh chóng bị suy kiệt thể lực, thậm chí đột tử nếu dùng một lúc 4 - 6 viên với liều lượng 250mg.

Đối với những người có bệnh bẩm sinh về tim, não, tình trạng này xảy ra càng nhanh hơn. Giới y học khuyến cáo, mặc dù tác động trái ngược so với hêrôin (nếu hêrôin làm người nghiện “phê” nằm một chỗ thì thuốc lắc lại khiến người ta hoạt động liên tục)  nhưng thuốc lắc gây hậu quả không kém gì heroin.

Người ta đã làm thí nghiệm trên loài linh trưởng và tìm ra chỉ cần hơn một tuần dùng thuốc lắc liên tục là nghiện. Theo Thượng úy Nguyễn Xuân Trường, cũng như hêrôin, khi đã nghiện thuốc lắc, người nghiện rất khó cai.

Phải có tâm lý rất vững vàng, bản lĩnh chắc chắn để vượt qua những trạng thái như của một người bị tâm thần phân liệt: luôn ám ảnh mình bị hại, bị đầu độc kèm theo ảo giác có tiếng xui khiến, nói xấu trong đầu, mất ăn, mất ngủ, nhìn cuộc sống chán nản đen tối... thì mới có thể hy vọng cai nghiện được.

Tuy nhiên, trong thực tế số này rất ít. Hầu như cai xong, người nghiện lại tái nghiện.

Đối với dân “trong nghề”, nghiện thuốc lắc là “quý tộc” nhất. Bởi giá thành của thuốc quá đắt từ 200 - 400 nghìn đồng/viên, thậm chí 600 nghìn đồng do phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan... chứ trong nước hoàn toàn chưa có nơi nào sản xuất, trừ việc mang nguyên liệu từ nước ngoài về trong nước dập thành viên để qua mắt các nhà chức trách.

Không chỉ gây tổn hại cho chính người nghiện mà thuốc lắc còn kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác như giết người, cướp của... cùng nhiều hành vi băng hoại đạo đức khác.

Cụ thể như thời gian vừa qua, Công an Hà Nội đã bắt quả tang Nguyễn Thế Bình, ở phường Yên Phụ, người cung cấp thuốc chính cho các vũ trường, quán bar, karaoke ở Hà Nội, mặc dù đã 50 tuổi, nhưng Bình vẫn “lắc” và làm nhiều hành vi đồi bại khác với những đối tượng chỉ đáng tuổi con mình.

MỚI - NÓNG