“Cần trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn”

“Cần trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn”
TP - “Ban hành định chế trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn sẽ chứng minh Đảng ta tin dân và quyết tâm dựa vào dân để phát triển đất nước”.
“Cần trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn” ảnh 1
Ông Nguyễn Khắc Mai (phải) trong việc hoạt động xã hội

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong về chủ đề góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng X.

Câu chuyện ở đây là “người đầy tớ” không được bắc ghế ngồi cao hơn “ông chủ” của mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển đều đã, đang và sẽ phải trải qua việc tôn vinh trí thức.

Dân tộc ta từng nêu một nguyên lý: hiền tài là nguyên khí quốc gia. Có thể nói đây là một minh triết cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Các nước phát triển đã bước lên bậc thang cao của nhân loại với một tầng lớp trí thức hùng hậu, cùng với những chính sách rất tốt với trí thức.

Chúng ta đã phê phán khẩu hiệu tả khuynh, sai lầm một thời “trí-phú-địa-hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, nhưng đây đó cái tâm lý kỳ thị trí thức ấy vẫn còn.

Không thể phủ định một sự thật tốt đẹp là mấy chục năm qua đất nước ta đã tạo ra được một đội ngũ trí thức nay được tính bằng con số triệu, trong đó kể cả bộ phận ở nước ngoài, đã có những nhân cách những tên tuổi lớn được quốc tế thừa nhận.

Nhưng cũng có một sự thật thứ hai như là mặt trái của tấm huy chương, đó là vấn đề chất lượng, nhân cách, phương pháp công tác, lối sống và cả sự thiếu đồng bộ, thiếu cân đối trong phân phối lực lượng, điều đáng lo ngại là nổi lên hiệu ứng “tiến sĩ giấy”.

Có thể nói bộ mặt của đội ngũ trí thức cũng sẽ phần nào phản ánh được năng lực phản biện của dân tộc. 

Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước phải cổ vũ và xây dựng “văn hóa nghe” để cho vai trò phản biện và dự báo xã hội của trí thức nảy nở.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đảng viên được làm kinh tế tư nhân, vì thực ra ở đây chúng ta chỉ đẩy cánh cửa khi nó đã được mở chốt... Việc xác định Đảng đại diện rộng hơn là một vấn đề lớn, nhưng khi đề cập thì đồng thời chúng ta cũng phải suy nghĩ về vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của Đảng.

Tôi từng được tham gia ba chương trình nghiên cứu lớn: Một là đổi mới hệ thống chính trị; Hai là đổi mới phương thức lãnh đạo; Ba là phương pháp luận để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng.

Tôi có niềm tin rằng nếu lựa chọn được phương thức hoạt động đúng tự nó sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng đảng viên, chất lượng cán bộ và hiệu quả hoạt động của Đảng.

Với mô hình hiện nay, có cảm tưởng rằng cái gì Đảng cũng phải “nhúng tay” vào, sự chồng chéo đôi khi dẫn đến tình trạng giống như người cầm gậy nhúng xuống nước rồi phán nước lạnh hay nóng!

Vào thời điểm xây dựng Hiến pháp 1992, tôi có trình bày trong nhóm nghiên cứu rằng Đảng cần xây dựng một đạo luật cho hoạt động của mình. ý kiến ấy về sau cũng được một vị lãnh đạo cao cấp nêu ra, nhưng cũng có người bảo rằng “như thế lại hoá ra tự sắm dây buộc mình”.

Đến nay vấn đề đã chín muồi. Bởi mọi cộng đồng, mọi thiết chế xã hội ở nước ta hầu như đều hoạt động theo Hiến định và luật định, vừa có ghi trong Hiến pháp lại được luật hoá.

Chỉ có thiết chế Đảng là mới có Hiến định mà thôi. Vì thế có rất nhiều sự thiếu trách nhiệm đã xảy ra. Luật hóa hiến định về Đảng nên xây dựng như thế nào thì toàn Đảng phải cùng suy nghĩ, vì đây trước hết là vấn đề tự thân của Đảng, nhưng nên trưng cầu ý kiến của nhân dân và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực và nhất là các chuyên gia pháp luật.

Cốt lõi của phương thức lãnh đạo là không được xây dựng phòng thí nghiệm cho bất kỳ ý muốn chủ quan nào đó. Bởi vì phòng thí nghiệm thì trăm sai mới có một đúng. Nhưng cục diện hiện nay không cho phép bất cứ một sự sai lầm nào.    

 Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.