Cẩn trọng với đặc khu

TP - Muốn phát triển thì phải đầu tư, ấy là cái lẽ thông thường. Mà đã đầu tư thì phải bỏ vốn. Vốn ở đây là đất đai, tiền bạc, là hy sinh đất nông nghiệp.

Nhưng đầu tư phát triển đặc khu kinh tế là một món đầu tư khổng lồ, có thể lên tới vài chục phần trăm GDP của một quốc gia. Đó là những khu vực có ranh giới, môi trường kinh tế-hành chính khá độc lập, có khung pháp lý riêng (thường là cởi mở hơn nhiều so với các khu vực khác) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Việt Nam cho đến nay chưa có một đặc khu kinh tế đúng nghĩa, hoặc ở tầm mức như những cái tên lừng lẫy như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn ở Trung Quốc hay đặc khu ở Singapore, Malaysia, cho đến những đặc khu dày đặc ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… Sự phát triển được xem là “thần kỳ” ở một số đặc khu kinh tế trên thế giới, đặc biệt ở láng giềng Trung Quốc chắc chắn có sức lan tỏa, sức hút to lớn đối với khu vực xung quanh. Người ta đã đúc kết những yếu tố giúp các đặc khu kinh tế tại Trung Quốc thành công rực rỡ, chỉ trong vòng vài thập kỷ đã biến nền kinh tế nước này bật lên mạnh mẽ sau một thời gian dài chìm trong trì trệ và bảo thủ: chính phủ cam kết mạnh mẽ và hỗ trợ hiệu quả cho các cải cách hướng tới kinh tế thị trường; chính sách đất đai phù hợp; tự chủ về cơ chế và khuyến khích đầu tư trong đặc khu; thu hút mạnh FDI và đầu tư trong nước; trình độ tiếp thu, cải tiến công nghệ và sự kết nối mạnh mẽ với nền kinh tế trong nước; vị trí thuận lợi.

Tuy nhiên, không phải cứ làm đặc khu kinh tế là sẽ thúc đẩy công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và cân đối phát triển vùng miền.  Bên cạnh những đặc khu kinh tế thành công là vô số đặc khu chết yểu hoặc đang ngắc ngoải. Một số chuyên gia kinh tế đã phát biểu rằng không có mô hình chuẩn cho đặc khu kinh tế bởi sự phát triển của một đặc khu còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố nội tại, từ vị trí địa lý, môi trường kinh tế- xã hội, năng lực quản lý và công nghệ. Để thành công với một Thâm Quyến hay Hạ Môn, người Trung Quốc đã phải nỗ lực tích lũy năng lực khoa học kỹ thuật, năng lực tiếp thu công nghệ trong hàng chục năm. Một ví dụ sống động về sự thất bại của nhiều đặc khu kinh tế ở châu Phi, được bắt đầu khởi động từ những năm 2000. Một số chuyên gia cho rằng ngoài các yếu tố về vốn đầu tư, về quản lý, các đặc khu ở châu Phi đã rơi vào “thế việt vị” bởi nền kinh tế thế giới đã có nhiều biến đổi, khác xa với thời kỳ 1980, khi đặc khu Thâm Quyến được thành lập.

Bởi thế, đầu tư xây dựng đặc khu đòi hỏi quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bởi thất bại là một sự lãng phí vô cùng to lớn.

MỚI - NÓNG