Cẩn trọng ho dai dẳng vì... dị vật đường thở

Theo BS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương, tình trạng hóc dị vật bị bỏ quên khá phổ biến. Có những bệnh nhân dị vật tồn tại trong phổi hàng năm trời, gây các biểu hiện bệnh đường hô hấp, viêm phổi, ho dù được điều trị nhưng vẫn tái nhiễm liên tục.
Con tôm được lấy ra từ đường thở bệnh nhân. Ảnh: BS cung cấp

Tại BV Tai mũi họng Trung ương đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng ho dai dẳng không rõ nguyên nhân.

“Các bệnh nhân đều có chung đặc điểm bị tình trạng ho, viêm phổi tái diễn liên tục, kéo dài đã điều trị rất nhiều nơi mà không khỏi”, BS Ngọc cho biết.

Khi khai thác tiền sử rất kỹ các bệnh nhân được nghĩ đến hóc dị vật bỏ quên và thực tế rất nhiều ca dị vật bỏ quên được lấy ra sau vài ba năm “ngự” trong phổi. Khi được lấy dị vật, tình trạng ho, tái nhiễm viêm phổi của bệnh nhân cũng được khắc phục.

Giải thích tình trạng này, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị hóc dị vật ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua”. Khi vừa bị hóc, người bệnh ho, sặc nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng. Sau đó, dị vật tại đây sẽ gây viêm, kích thích gây ho.

“Rất nhiều trường hợp ho dai dẳng, uống thuốc liền 2-3 tháng không đỡ. Cá biệt, có những trường hợp, ho dai dẳng hàng năm trời, điều trị ở khắp nơi, hết uống thuốc tây, đến đông y, rồi thuốc nam… mà vẫn không trị được chứng ho. Đến khi được phát hiện có dị vật bỏ quên, được gắp ra thì tình trạng bệnh đỡ hơn hẳn”, BS Ngọc cho biết.

Mới đây, trưa ngày 19/1, do vừa ăn vừa cười nói, bà Đỗ Thị L (Hồng Bàng, Hải Phòng) bất ngờ ho sặc sụa do cả con tôm chui tọt xuống đường thở... Cả nhà cứ mong con tôm rồi sẽ tự “chui” xuống dạ dày nhưng đến chiều cùng ngày bà bắt đầu khó thở, tức ngực, phải đưa vào viện.

Các bác sĩ BV ĐK quốc tế Hải Phòng đã tiến hành nội soi phế quản, phát hiện một con tôm có chiều dài hơn 2cm nằm gọn trong lòng phế quản bệnh nhân. Với dị vật này không được gắp ra kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi. Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định ngay sau khi nội soi gắp dị vật.

Mảnh xương được lấy ra sau 2 năm tồn tại trong phổi người bệnh. Ảnh: BS cung cấp

Trước đó, tháng 12/2014 một trường hợp dị vật lâu năm hi hữu nằm trong phổi cũng được phát hiện tại BV ĐK quốc tế Hải Phòng. Bệnh nhân nữ 53 tuổi vào viện trong tình trạng tức ngực, ho, khạc đờm mủ tái diễn liên tục dù đã đi chẩn đoán, điều trị tại nhiều bệnh viện. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy có mảnh xương kích thước 2,3 x 1,5 cm với nhiều góc cạnh, gây viêm phổi thuỳ giữa và dưới bên phải. Qua nội soi phé quản lần 1 thấy hình ảnh phế quản gốc phải tắc hoàn toàn do dị vật. Bề mặt dị vật phù giả mạc trắng, tổ chức phía sát trên dị vật bị viêm xung huyết phủ gần kín, nhiều mủ ở dưới trào lên.

Lúc này bệnh nhân mới nhớ mình từng bị sặc, ho nhiều, khó thở trong 1 lần ăn canh cách đây 2 năm.

Sau khi được điều trị kháng sinh, corticoid 1 tuần để tổ chức phủ xung quanh dị vật bớt viêm, phù nề, bệnh nhân được mổ nội soi, gắp ra 1 mảng xương đã mủn.

Theo BS Hoàng Đình Ngọc, với những trường hợp ho dài ngày không khỏi, tái diễn liên tiếp, các bác sĩ cần chú ý khai thác hội chứng xâm nhập trước đó (bé có ho, sặc trong khi ăn, khi nhét đồ vật gì vào miệng - pv). Bệnh nhân nên tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác. Vì khi trong phế quản, phổi có dị vật, dị vật sẽ gây viêm nhiễm, phù nề, kích ứng gây ho dai dẳng, viêm tái diễn.

Khi ăn uống, nếu đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở và cần nhanh chóng sơ cứu đưa bệnh nhân tới viện. Còn sau cơn ho, tím tái rồi lại trở lại bình thường, nhưng sau đó thường xuyên ho dài ngày, tái diễn cũng nên tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám để loại trừ nguyên nhân do hóc dị vật bỏ quên.

Theo Hồng Hải
Theo Theo Dân trí