Theo dự báo, đến hết năm 2014, Việt Nam sẽ xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Đây thực sự là một con số đáng mơ ước của nhiều quốc gia. Nếu nhìn bề ngoài, đây cũng là con số đáng mừng cho chính Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, còn rất nhiều trăn trở với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam hiện đang trong quá trình phát triển chuyển mình từ thuần nông sang nước công nghiệp, đáng ra Việt Nam cần nhập nhiều nguồn lực từ bên ngoài vào để tích lũy cho sự phát triển bền vững. Cụ thể, như những hàng hóa phục vụ sản xuất, máy móc tạo ra những giá trị lớn cho nền kinh tế.
Thực tế, các mặt hàng tiêu dùng, các mặt hàng xa xỉ thuộc dạng hạn chế nhập lại chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động nhập khẩu (chiếm 4,5 tỷ USD). Nhiều chuyên gia cho rằng, rõ ràng Việt Nam còn nghèo nhưng lại “thích chơi sang”.
Việt Nam là điểm đến rất nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài trong vài năm gần đây. Chính sách trải thảm đỏ đã bắt đầu có trái ngọt. Nhiều “ông lớn” như Samsung, Intel, Nokia hay nhiều tập đoàn đầu tư khoáng sản ồ ạt vào Việt Nam. Đó là động lực chính để Việt Nam sau hai thập kỷ nhập siêu đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012 đến nay.
Các DN này chiếm đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2014. Trong phần còn lại của DN nội, giá trị gia tăng, tích lũy rất thấp do xuất khẩu chủ yếu là các hàng gia công như dệt may, hay lắp ráp linh kiện điện tử...
Trở lại câu chuyện nóng gần đây, rằng DN Việt Nam chưa làm nổi ốc vít như lời kêu ca của một tập đoàn lớn nước ngoài, cho thấy những khiếm khuyết trong cách nhìn nhận phát triển lâu dài của chính sách. Khi DN FDI tăng trưởng một cách chóng mặt, DN trong nước gần như thua ngay trên sân nhà.
Mục tiêu phát triển kinh tế tự lực, tăng trưởng xanh với những DN đủ năng lực cạnh tranh ngang ngửa với DN ngoại đang đi vào ngõ cụt. Nhiều hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN nội, nhưng mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nếu không có các DN FDI, kinh tế Việt Nam khó có thể đi lên. Tuy nhiên, để tạo nên một nền kinh tế bền vững, có sức mạnh nội lực đối phó với những hoàn cảnh khó lường, cần một cơ chế mở hơn, chính sách hợp lý hơn đối với DN nội. Khi đó, các DN nội mới có thể vươn lên làm trụ cột cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Khi đó những con số xuất siêu mới thực sự đem lại tự tin và yên tâm cho nền kinh tế.