Cần phải có thời gian để Bộ trưởng Nhạ thể hiện

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (137 phiếu) theo như kết quả của Quốc hội công bố chiều ngày 24/10.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ có số phiếu tín nhiệm thấp lên tới 137 phiếu.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố chiều nay, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhận được 140 (28,87%) phiếu tín nhiệm cao; 194 (40%) tín nhiệm; 137 (28,25%) tín nhiệm thấp. Với 137 phiếu tín nhiệm thấp, Bộ trưởng GDĐT là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất trong tổng số 48 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GDĐT nhấn mạnh rằng ông Phùng Xuân Nhạ chỉ mới đảm đương vai trò Bộ trưởng được 2 năm. Đây là quãng thời gian quá ngắn để ông Nhạ có thể xử lý những vấn đề còn tồn đọng và những hành động phát huy hiệu quả.

"Dĩ nhiên việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết và nên làm để đánh giá vai trò của người đứng đầu ngành. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng ngành giáo dục không phải tới bây giờ mới có những vấn đề gây bức xúc xã hội. Ví dụ như những sai phạm trong kỳ thi THPT 2018 vừa qua cũng rất khó để có thể đổ lỗi cho riêng Bộ trưởng, mà nó là hậu quả của một quá trình dài. Lật lại vấn đề, cũng phải thừa nhận rằng Bộ GDĐT đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin từ dư luận để thanh tra, giám sát, từ đó phát hiện những sai phạm tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình" - ông Khuyến chia sẻ.

Giữa năm 2018, tại buổi chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định rằng: "Giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới. Đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể.

Ví dụ vấn đề thi cử, Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ. Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng cố gắng hoàn thiện chương trình sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo…".

TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GDĐT.

Theo TS Lê Viết Khuyến, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để người đó nhìn nhận ra vị trí của mình, từ đó cố gắng phấn đấu, thay đổi để mang lại hiệu quả tốt hơn trong công việc do Đảng và nhân dân giao phó.

"Theo tôi, cần phải có thời gian cho Bộ trưởng thể hiện được bản thân mình, 2 năm là quá ngắn để đối phó với những vấn đề đã tồn tại hàng chục năm trong nền giáo dục".

Ông Khuyến cũng cho biết việc Bộ trưởng Bộ GDĐT cần làm ngay chính là trang bị cho mình một đội ngũ chuyên gia tư vấn ở từng cấp học một. "Ông Phùng Xuân Nhạ xuất phát từ cơ sở và chuyên môn là quản lý ở cấp độ đại học. Vì vậy, một đội ngũ chuyên gia tư vấn cho ông ở những cấp bậc học khác như PTTH, THCS, tiểu học, mầm non là vô cùng cần thiết để ông có thể làm tốt vai trò tư lệnh ngành của mình. Nếu đội ngũ này lệch chuẩn, thì việc hoàn thành tốt nhiệm vụ rất là khó khăn".

Ông Phùng Xuân Nhạ, sinh ngày 3.6.1963, quê quán xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Ông là giáo sư, tiến sĩ ngành kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Ông hiện là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và là Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Theo Theo Dân Việt