Đặc khu kinh tế: Nhà nước và người dân được gì?

Cân nhắc giao đất 99 năm

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc với quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm, trong khi đó Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định này. (Trong ảnh là một góc Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Dương.
Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc với quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm, trong khi đó Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định này. (Trong ảnh là một góc Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Dương.
TP - Ngày 23/5, tại phiên thảo luận về Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), nhiều đại biểu bày tỏ sự ủng hộ các chính sách vượt trội để thu hút đầu tư nhưng cần cân nhắc với quy định thời hạn giao đất lên tới 99 năm và đặt ra câu hỏi người dân sẽ được gì từ các đặc khu?

Không thể thiếu “bàn tay nhà nước”

Là đại biểu (ĐB) nơi có đặc khu kinh tế được mời phát biểu, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), đề nghị bổ sung thêm ngành nghề ưu tiên phát triển là y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ sáng tạo và chống biến đổi khí hậu. Theo bà Lan, đây là ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng lợi thế so sánh và điều kiện thực hiện của Vân Đồn. Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh một số nội dung cụ thể, ví dụ như điều chỉnh một số quy định về giao cho Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện thu hồi đất đối với một số dự án, và đấu thầu dự án theo kế hoạch của HĐND.

Đồng tình với các chính sách ưu tiên, song ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Phú Quốc còn được Thủ tướng quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với gần 3.000 ha. “Đây là khu vực đất đa phần là sở hữu của người dân. Thiết nghĩ, phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế vùng nhưng phải đảm bảo quyền lợi đời sống người dân trên đảo”, ĐB Kim Bé cho hay.

ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, định hướng xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo đột phá và động lực phát triển kinh tế là đúng đắn. Tuy nhiên, theo bà Hà, dự án luật hiện còn thiếu các nội dung về luận chứng kinh tế, đánh giá lợi ích, chi phí tại từng đặc khu. Việc định lượng lợi ích cụ thể khó có thể thực hiện vào thời điểm hiện nay, tuy nhiên có thể định lượng được về chi phí. ĐB nhìn nhận, đối với từng địa bàn, cần có các số liệu về số thu ngân sách hàng năm, số thu dự kiến trong thời gian tới, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ dự kiến cần có từ ngân sách trung ương, tỉnh.

Liên quan đến thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu, bà Hà bảo lưu ý kiến, cân nhắc thêm về việc quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt. “Theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ… Thực chất, điều này sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần”, ĐB Hà cho hay.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, theo ước tính để đầu tư cho 3 đặc khu, cần xấp xỉ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. “Tín hiệu mừng” là vai trò của các thành phần kinh tế khác được phát huy trong việc phát triển các đặc khu. Tuy nhiên, theo bà Mai, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, có những công trình, dự án không thể thiếu được “bàn tay nhà nước”. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý.

“Không ai muốn có thêm nhiều củi”

Phát biểu tranh luận với một số quan điểm trước đó, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, 3 đặc khu phải là 3 đầu tàu chứ không phải 3 toa tàu để TPHCM kéo. Theo ông Quốc, điều đáng lưu tâm là khi đặt ra vấn đề về thời lượng 99 năm được coi như một ưu thế vượt trội. Hoan nghênh việc điều chỉnh thu hẹp lại và đặt quyền quyết định cho Thủ tướng, tuy nhiên ông Quốc cho rằng, cần hết sức thận trọng với quy định này.

“Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không?”, ông Quốc đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, với đặc khu thì không thể bỏ qua hai yếu tố: Thứ nhất, trong dự thảo nói đây là thử nghiệm, mà đã thử nghiệm thì có thể thành công và thất bại, không thể phiêu lưu được. Thứ hai, theo ĐB là về địa chính trị, đặc biệt với Vân Đồn.

“Kể cả chuyện bất động sản rồi nhà cửa, không cẩn thận sẽ là nơi để di dân. 99 năm, tôi nghĩ nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 này họ không cần đến thời gian. Chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hoặc đầu cơ bất động sản thôi…”, ĐB Dương Trung Quốc đề nghị, khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng với quy định 99 năm.

Cân nhắc giao đất 99 năm ảnh 1 Vân Đồn trước khi trở thành đặc khu kinh tế. Ảnh: HD.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm. Bởi theo ông, không có vòng đời dự án đầu tư nào lại cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. “Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa, mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói, lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”, ông Nghĩa bày tỏ.

Cũng theo đại biểu đoàn TPHCM, chúng ta đang dành ra nhiều km2 đất liền và hàng chục ngàn km2 vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất nước ta và thế giới để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này, nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng…và sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước. Nói cách khác, toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính, sự di dời hay ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn dân ở ba khu vực trên đều phục vụ cho các nhà đầu tư của ba đặc khu này.

“Nhiều chuyên gia và cử tri lưu ý, đây là những vùng đất tiềm năng lớn, rất hấp dẫn, ngay cả khi chưa có những ưu đãi của luật này. Đất ở 3 đặc khu hiện nay giá đã cao ngất ngưởng, và đã có 2 loại chủ: Đất của các nhà đầu cơ mua đất để chờ bán lại và đất của những nhà đầu tư đã tiến hành dự án, thậm chí đã kinh doanh, khai thác hoặc đang chờ ưu đãi để triển khai dự án. Cử tri chờ đợi sự phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: Chúng ta hy sinh với ưu đãi để được những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng?”, ông Nghĩa nêu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm rồi sau đó mới làm tiếp. “Lò đã nóng lắm rồi. Chúng ta không ai muốn có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời… Có những đề xuất ưu đãi dễ dãi đến mức tôi bị sốc vì không hiểu đất nước và người dân sẽ được gì”, ông Nghĩa bày tỏ.

Báo cáo giải trình tiếp thu về quy định về thời hạn giao đất 99 năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây cũng là một chính sách vượt trội của chúng ta. Nhưng Ban soạn thảo đồng tình với các đại biểu, phải quy định rõ đâu là điều kiện đặc biệt để được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm.

MỚI - NÓNG