Đặc biệt cảnh giác với trộm là người quen
Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu – chuyên gia tâm lý tội phạm học (Bộ Công an) cho biết: "Nếu ở vùng nông thôn, khuôn viên nhà rộng khi nghe thấy tiếng động nghi là trộm, gia chủ tuyệt đối không nên ra ngoài xem xét. Cách tốt nhất là chủ nhà áp tai xuống đất nghe ngóng, theo dõi qua khe cửa, sau đó bật hệ thống điện nội bộ sáng lên và báo công an.
Nếu nhà thuộc đô thị, khi đi vắng về thấy trong nhà có người, chủ nhà tuyệt đối không bước vào sâu, vì lúc đó đối tượng có thể đánh, cướp, giết họ ngay. Trong trường hợp này, việc đầu tiên mà chủ nhà nên làm là bật sáng điện và gọi người xung quanh cùng vào kiểm tra. Trong tình huống nếu đi vào trong nhà mới phát hiện có người, chủ nhà đừng dại dột la hét. Nếu có thể thì cần phải đóng vai ngay là một người khách lạ đến chơi, đối tượng sẽ không tấn công và có cơ hội thoát ra ngoài an toàn.
Theo trung tá Hiếu, nếu nhà có phòng an toàn, cửa chắc chắn, cần nhanh chóng, bí mật đưa mọi người vào trong và khóa cửa lại, bật điện sáng, báo công an trong tình huống trộm đột nhập. Trong tình huống một mình ở nhà, khi phát hiện trộm, gia chủ nên tảng lờ coi như ngủ say. Nếu đối tượng bắt đưa tài sản, cách ứng xử khôn ngoan nhất là ngoan ngoãn thực hiện theo yêu cầu, không được manh động tri hô, la hét.
“Khi đột nhập vào nhà thì việc đầu tiên tội phạm quan tâm là tài sản chứ không phải là mạng sống con người. Tuy nhiên, đối tượng tội phạm rất sợ bị bắt giữ, bị xử lý,… Ẩn sâu trong tâm lý tội phạm là nỗi sợ bị phát hiện, bị đi tù. Nếu chủ nhà không biết cách ứng xử, tri hô, la hét, lao vào ôm, vật lộn,… có thể kích hoạt nỗi sợ đó và theo bản năng tự vệ, nỗi sợ sẽ biến thành hành động chống trả. Những đối tượng đều mang theo vũ khí như dao nhọn và tấn công lại người bắt giữ và hậu quả xảy ra án mạng” - trung tá Hiếu nói.
Trung tá Hiếu cũng lưu ý đến trường hợp kẻ trộm là người quen biết với gia chủ nên khi bị phát hiện, tội phạm có thể sát hại chủ nhà để bịt đầu mối. "Trong trường hợp này, chúng ta phải chống trả quyết liệt bằng tất cả khả năng của mình và bằng các vật dụng trong nhà để thoát thân. Khi phát hiện vụ đột nhập, ưu tiên bảo vệ đầu tiên là mạng sống chứ không phải tài sản. Vì tội phạm chỉ nghĩ đến tài sản, khi thỏa mãn thì sẽ bỏ đi” - trung tá Hiếu chia sẻ.
Bắt giữ nếu thấy đủ khả năng
Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh, với những trường hợp phát hiện trộm vào nhà, nếu cảm thấy đủ khả năng bắt giữ thì tiến hành bắt giữ, khống chế ngay đối tượng sau đó thông báo cho những người xung quanh biết, đồng thời báo ngay cho công an hoặc chính quyền địa phương đến để họ thực hiện các thủ tục bắt giữ người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.
"Tuyệt đối chúng ta không được đánh đập, hành hung....đối với người thực hiện hành vi trộm cắp. Tính mạng, sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ tuyệt đối, không ai có quyền xâm phạm nếu không được phép
Còn trong trường hợp không thể bắt giữ được người đang thực hiện hành vi trộm cắp, chúng ta có thể đánh động bằng cách bật điện sáng trong nhà, hô hoán mọi người hàng xóm cùng nhau đuổi bắt đối tượng nhưng sau khi bắt được phải báo ngay với cơ quan chức năng. Trong trường hợp đối tượng trốn thoát thì nên báo ngay cơ quan công an có thẩm quyền để họ thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ và tiến hành truy bắt nếu có căn cứ cho rằng đó là hành vi phạm tội” – luật sư Tuấn Anh nói.
Như thông tin báo chí, ngày 2/12, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố ông Lê Minh Phương (50 tuổi) về hành vi "Giết người".
Theo cảnh sát, nửa đêm 23/11, ông Phương phát hiện Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi) đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà mình. Do bực tức vì trước đây thường xuyên bị mất trộm nên ông lấy thanh kiếm có sẵn trong nhà chém Tùng nhiều nhát vào đầu, cánh tay. Khi nạn nhân gục xuống nam chủ nhà mới dừng tay.
Tùng được đưa đi nhập viện cấp cứu sau đó với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 61%.Nói về vụ án này, luật sư, trường hợp trong vụ án kể trên thực sự đáng tiếc. "Có thể do sự nhận thức pháp luật còn hạn chế, không tự làm chủ được bản thân lúc nóng giận mà gia chủ đã biến mình từ người bị hại thành bị can. Đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh cho những người khác, đừng lấy một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật khác", luật sư Tuấn Anh cho biết: Tuấn Anh