TRẢ LỜI:
Theo quy định, mỗi người chỉ được cấp 1 sổ BHXH với thông tin cá nhân về tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh thư/căn cước công dân. Khi nghỉ việc, người lao động được công ty chốt và trả sổ BHXH, khi đi làm ở công ty mới người lao động nộp lại sổ BHXH, hoặc báo số sổ BHXH cho công ty để tiếp tục tham gia BHXH.
Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH quy định: Khi người lao động nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan BHXH để chốt và trả sổ BHXH cho người lao động.
Do đó, bạn cần liên hệ với công ty đã làm trước đây để hỏi thông tin về sổ BHXH của bạn. Trường hợp đơn vị không chốt sổ BHXH cho bạn khi bạn đã nghỉ việc, bạn có thể làm đơn đề nghị công ty giải quyết hoặc gửi đơn tới Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, Sở LĐ-TL&XH, hoặc Liên đoàn Lao động địa phương để được hỗ trợ.
Sau khi đã chốt 2 sổ BHXH, bạn tiến hành làm thủ tục gộp sổ. Thủ tục gộp sổ BHXH được quy định tại Điều 27, Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam. Thành phần hồ sơ đề nghị gộp sổ BHXH gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Các sổ BHXH đề nghị gộp (nếu có).
Sau khi có đủ thành phần hồ sơ như trên, nếu bạn đang làm việc và tham gia BHXH tại đơn vị mới, bạn nộp hồ sơ cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH.
Trường hợp bạn đang nghỉ việc nên chưa đóng tiếp BHXH, hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, nếu đề nghị gộp, cấp lại, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH cần nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH gần nhất trên toàn quốc.
Bạn có thể đối chiếu với quy định nêu trên để hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định để được giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho mình.
Nếu có thắc mắc liên quan tới các vấn đề về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 19009068 của BHXH Việt Nam, hoặc Email: bhxhtraloi@gmail.com để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp.