Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện Vườn quốc gia Vũ Quang đang quản lý, bảo vệ 57.029,84 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Để hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã, Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang).

PV: Được biết Vườn quốc gia Vũ Quang là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Xin ông chia sẻ về sự đa dạng của các loài động vật tại Vườn quốc gia Vũ Quang hiện nay?.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Vườn quốc gia Vũ Quang được cả thế giới biết đến từ năm 1992 khi nơi đây đã phát hiện và công bố loài Sao La hay còn gọi là Kỳ lân châu Á. Sự phát hiện này được xem là chấn động giới bảo tồn quốc tế.

Tiếp đó vào năm 1993 một loài thú lớn nữa lại được phát hiện và công bố tại đây đó là loài Mang lớn (hay còn gọi là Mang Vũ Quang). Với những sự phát hiện đó đã mang lại giá trị và tầm quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở đây không chỉ cho ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 1

Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang).

Theo các nhà nghiên cứu, trước đây tại Vườn quốc gia Vũ Quang có sự xuất hiện của 94 loài thú, trong đó có 64 loài thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Mới đây nhất theo kết quả điều tra giám sát về đa dạng các loài động vật theo hoạt động đặt bẫy ảnh với quy mô lớn nhất tại Đông nam Á được thực hiện tại Việt Nam theo dự án hỗ trợ “Phương án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học” (viết tắt là VFBC) thì các kết quả thu được ở Vườn quốc gia Vũ Quang làm các nhà bảo tồn hết sức vui mừng và sửng sốt.

Cũng từ những kết quả đó đã khẳng định thêm một lần nữa về các giá trị đa dạng sinh học tại đây với sự ghi nhận của các loài rất có giá trị cho công tác bảo tồn với mật độ bắt gặp cao như: Mang lớn; Mang Trường Sơn; Cầy vằn bắc; Voi châu Á; Tê tê; Gấu chó; gấu ngựa; Thỏ vằn Trường Sơn; cầy giông sọc…

Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 2Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 3

Tái thả động vật quý hiếm về môi trường tự nhiên.

PV: Hiện nay tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn diễn ra khá phức tạp, đặc biệt tại Hà Tĩnh. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến đa dạng sinh học tại địa bàn Hà Tĩnh nói chung và Vườn quốc gia Vũ Quang nói riêng?.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Thực trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã đang là vấn đề nhức nhối của của các nhà quản lý, các tổ chức bảo tồn và các vườn quốc gia và khu bảo tồn trên toàn quốc. Tuy nhiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang với sự nỗ lực của cả tập thể cán bộ.

Bên cạnh sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt cùng các cơ quan chức năng, các đơn vị trên địa bàn như công an, huyện đội, biên phòng và chính quyền địa phương, sự tuyên truyền sâu rộng đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhờ đó đã đạt được kết quả tốt trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Hiện Vườn quốc gia Vũ Quang đang được xem là một điểm sáng được bộ, ngành và các tổ chức hết sức ghi nhận.

Cụ thể hơn ở đây là từ năm 2018 đến nay tại Vườn quốc gia Vũ Quang chưa để xảy ra bất kỳ vụ việc nào liên quan đến xâm hại rừng và động vật hoang dã. Hiện trạng rừng và các giá trị đa dạng sinh học được giữ vững đảm bảo và ngày càng phát triển.

Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 4Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 5

Hình ảnh tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

PV: Để bảo vệ sự đa dạng của các loài động vật hoang dã quý hiếm ở vườn quốc gia, thời gian qua đơn vị đã có những kế hoạch, giải pháp nào để tiếp tục phát triển các loài động vật, bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Vườn quốc gia Vũ Quang xác định,công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ then chốt. Thời gian qua Vườn quốc gia Vũ Quang đã triển khai đồng bộ với các hoạt động nhiệm vụ như tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tại gốc với sự vào cuộc của 10 trạm kiểm lâm, 1 đội cơ động trực thuộc và các bên liên quan. Những tổ được thực hiện với nhiệm vụ khác nhau với mật độ tuần tra rừng từ 2-3 đợt/tháng/trạm thực hiện trên toàn bộ diện tích rừng hơn 57 ngàn ha được giao quản lý.

Cùng với đó phối hợp, truy quét, nắm bắt thông tin với các cơ quan, đơn vị và chính quyền trên địa bàn như công an, biên phòng tại 3 huyện là Vũ quang, Hương Khê và Hương Sơn trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đa dạng sinh học đến nhiều đối tượng trong xã hội như dân cư cộng đồng vùng đệm, các trường học trên địa bàn. Từ đó nâng cao nhận thức và sự chung tay của toàn xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Thời gian qua đơn vị đang kêu gọi và thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học, điều tra giám sát các loài loài nguy cấp quý hiếm một cách có hiệu quả. Việc nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức cho cán bộ trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được xác định là luôn cấp thiết. Từ giai đoạn 2022 đến nay Vườn quốc gia Vũ Quang đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện hơn 20 cuộc tập huấn diễn ra tại vườn với hơn 300 lượt cán bộ tham gia đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cần làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Vũ Quang? ảnh 6

Vườn quốc gia Vũ Quang tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.

PV: Xin ông chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình bảo vệ, phát triển động vật hoang dã tại vườn quốc gia?. Đơn vị có những đề xuất gì để thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng và bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, tại đơn vị còn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể biên chế cho việc thực hiện nhiệm vụ là còn mỏng, chưa đủ theo biên chế được giao do vậy việc tuần tra bảo vệ rừng hay một số nhiệm vụ chuyên môn các nhân viên đang gồng mình thực hiện.

Điều kiện địa hình rừng Vườn quốc gia Vũ Quang hết sức hiểm trở gây khó khăn, vất vả, nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Như điều kiện sinh hoạt, làm việc hết sức khó khăn, một số trạm kiểm lâm chưa có điện, sóng điện thoại, thiếu nước sạch, phải ở nhà tạm... nhưng mức đãi ngộ thấp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhân viên.

Tại Vườn quốc gia Vũ Quang một số hoạt động cứu hộ, chăm sóc và tái thả các loài hoang dã đang triển khai hết sức hiệu quả. Tuy nhiên tại đơn vị chưa thành lập được trung tâm cứu hộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn chưa đảm bảo, chưa có nguồn lực và tài chính hỗ trợ. Các chương trình, dự án hỗ trợ thực hiện là còn ít và chưa tương xứng khi Vườn quốc gia Vũ Quang hiện nay đã là vườn di sản ASEAN.

Trước những khó khăn hiện tại, để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị cũng kiến nghị cần nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ vườn thông qua các chế độ chính sách, ưu đãi ngành… vì mức thu nhập của cán bộ Vườn về mặt bằng chung còn thấp để đội ngũ yên tâm công tác.

Các hoạt động, nội dung theo phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Vũ Quang giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt cần có sự quan tâm, hỗ trợ ngân sách của tỉnh để thực hiện đảm bảo hiệu quả. Hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã cần có sự quan tâm của các sở ngành, sự đầu tư về ngân sách để đơn vị thực hiện có hiệu quả và chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG