Cần ít nhất một nửa đại biểu là chuyên trách

Cần ít nhất một nửa đại biểu là chuyên trách
TP - Trao đổi với Tiền Phong về bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) nói: “Đã đến lúc phải nhanh chóng chuyên nghiệp hóa, với ít nhất 50% đại biểu chuyên trách”.

>> Lấy ý kiến cho ứng viên tại các cơ quan Quốc hội

Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội
Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội.

Quốc hội (QH) thực hiện một trách nhiệm nặng nề về lập pháp, nhưng chất lượng làm luật của chúng ta còn hạn chế. Chẳng bao lâu sau bấm nút thông qua một dự luật đã thấy những bất cập. Dự thảo luật chủ yếu do cơ quan hành pháp làm nên chưa có tính độc lập.

Nghị sỹ các nước có bộ máy tư vấn luật nên họ giải quyết được rất nhiều việc. Nhưng chúng ta với phần lớn kiến nghị của cử tri, đại biểu (ĐB) đều chỉ làm một việc là chuyển thư, nên rất hạn chế, ông Quốc nói.

Một ĐB không chuyên như ông thường có những khó khăn gì?

Tôi ở Hà Nội nhưng lại là ĐB của Đồng Nai, xuân thu nhị kỳ 4 lần ra vào rất cách rách. Đơn bà con gửi ra nhiều, cử tri cả nước đến với mình cũng rất đông, rất quá tải! Tôi phải thuê văn phòng, nhân viên giúp việc để tiếp cử tri vì mình không thể cứ vào trong kia được!

ĐB không chuyên trách, không sống gắn với địa bàn sẽ rất khó phát huy. Ngay như tôi, nếu có đóng góp gì thì đó là đóng góp cho sự nghiệp chung nhiều hơn, với bà con Đồng Nai tôi tự nhận chưa làm được gì nhiều.

Nhìn vào tranh luận của ĐB ở nghị trường, bên cạnh những tranh luận khá nóng bỏng, dường như đâu đó vẫn còn sự nể nang?

Nể nang cũng có, chủ yếu đó là tập tính, nhưng cái đó không quan trọng bằng lợi ích. ĐB địa phương tranh luận với một cơ quan trung ương họ phải nghĩ đến một lợi ích trong những quan hệ sau này sẽ như thế nào, chứ không phải vấn đề đang tranh luận. Đó là một thực tế phải thừa nhận.

Chúng ta luôn nghĩ việc làm này sẽ tác động hiệu ứng như thế nào với những trách nhiệm khác của mình, bởi một tỷ lệ không nhỏ ĐBQH thuộc bộ máy hành pháp.

Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm ĐB cơ quan hành pháp đồng thời tăng ĐB là người ngoài Đảng, ông nghĩ sao?

Có lẽ cần có sự chuẩn bị, nhưng ĐB dù là hành pháp hay cơ quan nào cũng đều phải có trách nhiệm. Từ khóa XII đã có chủ trương nâng tỷ lệ ĐB ngoài Đảng lên 12% nhưng khi vận hành chỉ đạt 8%. Tôi nghĩ nâng tỷ lệ ngoài Đảng lên cao hơn nữa vẫn ổn bởi QH quyết định theo đa số.

Là người thường có những ý kiến, tranh luận thẳng thắn tại nghị trường, ông có bị áp lực gì không?

Tôi không thấy có áp lực gì. Bản thân tôi luôn nghĩ suy cho cùng mình phát biểu là vì cái chung, và xác định những gì mình nói để người ta lắng nghe mà không bỏ ngoài tai. Phải tìm ra cái lý để người nghe chấp nhận được. Ở QH tôi ứng xử như vậy, cho nên không thấy có áp lực gì. Có những vị tôi chất vấn gay gắt ở QH nhưng ra hành lang tôi vẫn trao đổi công việc bình thường.

Sau cùng, ông thấy những chất vấn như vậy được Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp thu được bao nhiêu?

Tôi không nghĩ ĐB chất vấn để làm một cái gì đó. Nhưng ít nhất nó tạo ra được một suy nghĩ và mọi người cùng suy nghĩ, để có trách nhiệm về vấn đề đó. Quyết định cuối cùng là vấn đề khác, không phải đơn giản nghe xong là sửa được ngay, chưa nói đến sự đúng sai. Nhưng rõ ràng nhiều phát biểu tại QH thời gian qua đã được lắng nghe.

Kỳ bầu cử QH nào cũng có người tự ứng cử, nhưng vì sao số người trúng cử rất ít ỏi?

Tôi nghĩ phải bình đẳng, đúng luật. Vào QH phải theo nguyên tắc, tự ứng cử hoặc được giới thiệu. Vấn đề là cần phải có sự bình đẳng thực sự giữa người tự ứng cử, người được đề cử. Nhưng người tự ứng cử thành công còn khó lắm. Khó là do họ chưa thực sự có được những điều kiện thuận lợi để thực thi những quyền theo luật định.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG