Cần hoãn 10 năm

Cần hoãn 10 năm
TP - Trước thông tin sẽ trồng ngô biến đổi gene trên diện rộng năm 2012, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho rằng: Điều tối kỵ là nhập giống từ nước ngoài.

> Chưa nên trồng hàng loạt cây biến đổi gene

“Chừng nào Việt Nam còn chưa làm chủ được công nghệ biến đổi gene thì khi đó chưa nên đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất”. GS Long cho biết thêm.

“GMC mới đưa vào sản xuất thương mại trên thế giới từ năm 1996, chưa thể đánh giá được tác động lâu dài của chúng”, GS.VS Trần Đình Long
“GMC mới đưa vào sản xuất thương mại trên thế giới từ năm 1996, chưa thể đánh giá được tác động lâu dài của chúng”, GS.VS Trần Đình Long.
 

GS Trần Đình Long nói: Chúng ta không phủ nhận, cây trồng biến đổi gene (Genetically Modified Crop - (GMC) là thành tựu của khoa học hiện đại. Việt Nam (VN) cần phải áp dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất. Tuy nhiên áp dụng thành tựu này tại VN như thế nào cần được xem xét kỹ.

Hiện tồn tại ba quan điểm khác nhau. Một số quốc gia, đứng đầu là Mỹ, hoàn toàn ủng hộ. Một số quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu, phản đối. Một số nước khác có thái độ trung gian.

Theo tôi, VN chưa nên đưa GMC vào sản xuất đại trà, ít nhất trong 10 năm tới. Về điều kiện để đưa GMC vào sản xuất, chỉ khi nào chúng ta làm chủ được công nghệ biến đổi gene, tạo ra các giống GMC thì khi đó mới nên đưa GMC vào sản xuất.

Phụ thuộc giống: Tối kỵ

Tại sao vậy?

Điều tối kỵ là nhập giống từ nước ngoài. Bởi như vậy, nông dân sẽ bị lệ thuộc, nền nông nghiệp cũng bị lệ thuộc vào nước ngoài. Ngành giống của chúng ta khi ấy sẽ ra sao? Điều này đã được chứng minh bằng bài học đau lòng ở Ấn Độ.

Chưa kể, ở thời điểm hiện tại, giá thành giống GMC đắt hơn nhiều lần giá thành giống cây trồng được tạo bởi các phương pháp lai tạo khác. Ví dụ 1 kg ngô giống GMC có giá 300-350 nghìn đồng trong khi một kilôgam ngô giống thông thường chỉ có giá 50-60 nghìn đồng.

VN đang ở chỗ nào về công nghệ biến đổi gene?

Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ biến đổi gene, chưa có một giống GMC nào do VN chọn tạo được công nhận đưa vào sản xuất. Các điều kiện để chúng ta có thể làm chủ công nghệ biến đổi gene cũng còn hạn chế.

Công nghệ biến đổi gene thực chất chỉ là một trong những phương pháp tạo ra giống mới. GMC thực chất là các giống cây trồng mới. Trong khi đó, ngành nông nghiệp VN mấy chục năm qua đã lai tạo hàng trăm giống cây trồng có năng suất cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại VN.

Vậy VN cần làm gì để có thể đưa GMC vào sản xuất?

Thứ nhất, cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ biến đổi gene.

Thứ hai, tiến hành đánh giá rủi ro của GMC đối với sức khỏe, môi trường, đa dạng sinh học. Đồng thời cần thiết lập chế tài quản lý, giám sát đối với lĩnh vực này.

Thứ ba, cần lựa chọn loại GMC nào nên đưa vào sản xuất đại trà. Chúng ta có thể áp dụng công nghệ này với các cây như bông, hoa, cây cảnh. Với cây lương thực, thực phẩm cần hết sức thận trọng. Riêng với lúa, trong vài thập kỷ tới, chưa nên đưa lúa biến đổi gene vào sản xuất tại Việt Nam.

Ba việc trên chúng ta có thể tiến hành song song hoặc từng bước song phải đảm bảo điều kiện tiên quyết là làm chủ được công nghệ biến đổi gene.

Tóm lại, GMC có thể gọi là giống cây ngoại lai. Chúng ta từng có những bài học sâu sắc về ốc bươu vàng, về rùa tai đỏ. Vì vậy, tôi nghĩ, VN nên thận trọng.

Cám ơn GS.

Thực phẩm từ GMC tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng

đồng như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra các độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể.

Đối với đa dạng sinh học, GMC có nguy cơ gây độc cho các loài sinh vật có ích, ảnh hưởng chuỗi thức ăn tự nhiên, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Trồng GMC trên diện rộng sẽ làm mất đi đặc tính đa dạng sinh học bản địa của vùng sinh thái.

Đối với môi trường, GMC có nguy cơ mang các gene kháng thuốc trừ cỏ có thể thụ phấn với cây dại, làm lây lan gene kháng thuốc diệt cỏ trong quần thể thực vật, nguy cơ chuyển gene lạ từ cây biến đổi gene vào các vi sinh vật trong đất…

Các nhà khoa học Pháp và Áo đã chứng minh ngô biến đổi gene gây hại cho động vật có vú. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, nước Pháp lập tức cấm sản xuất và buôn bán sản phẩm này.

Nguyễn Hoài thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG