Cần đánh giá tác động kỹ hơn các đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi lớn trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này
Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi lớn trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này
Bộ Tư pháp cho rằng, một số chính sách đề xuất thay đổi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có tác động lớn, cần bổ sung đánh giá kỹ hơn, như: thêm nhóm tham gia BHXH bắt buộc; chính sách hưởng BHXH một lần; giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu...

Thể chế hóa các định hướng lớn

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo thẩm định hồ sơ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH 2014. Bộ Tư pháp đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, nhanh chóng của Bộ LĐ-TB&XH trong việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Dự luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là việc thực hiện các chính sách BHXH trong tình hình mới; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Do đó, việc lập đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) là cần thiết. Tuy nhiên, tại dự thảo tờ trình đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH về xây dựng luật, cơ quan thẩm định cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn một số vấn đề, gồm: các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII liên quan đến BHXH cần được thể chế hóa; các vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định của Luật BHXH hiện hành và quá trình thực hiện luật. Từ những đánh giá đó để đưa ra kiến nghị, đề xuất chính sách toàn diện, phù hợp trong đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi).

Nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng luật, theo cơ quan thẩm định, về cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHXH. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy vẫn còn một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước chưa được thể chế hóa.

Cụ thể, tại Nghị quyết 28 đề ra các nội dung cải cách, như: điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để được hưởng lương hưu tối đa theo thông lệ quốc tế; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc... Vì vậy, cơ quan thẩm định Dự luật đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng nêu trên, thể chế hóa đầy đủ, cụ thể các nội dung chính sách trong quá trình sửa đổi Luật BHXH lần này.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các chính sách trong đề nghị xây dựng, trường hợp cần thiết kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cần đánh giá tác động cụ thể hơn

Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, theo Bộ Tư pháp, dù hồ sơ đã đề cập, nhưng chưa làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng giữ theo luật hiện hành hay có sự sửa đổi, bổ sung gì. Trong khi đó, dự thảo tờ trình và báo cáo đánh giá tác động chính sách lại đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh, như: bổ sung các quyền lợi ngắn hạn trong BHXH tự nguyện; sửa đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan BHXH...

Về đối tượng áp dụng, chính sách BHXH bắt buộc mở rộng thêm chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; bổ sung người hoạt động không chuyên trách cấp xã có ký hợp đồng lao động... Bên cạnh đó, các nội dung đánh giá tác động của Dự luật vẫn chưa chi tiết, chủ yếu mang tính định tính.

Trường hợp chính sách có sự thay đổi lớn cần đề xuất lộ trình và giải pháp triển khai thi hành hợp lý, khả thi. Cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ được giải pháp thiết kế hệ thống BHXH đa tầng được hiểu ra sao. Việc bổ sung nhóm tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh, người điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương, trong khi mức đóng BHXH được tính theo lương tháng, nên bổ sung này sẽ làm thay đổi nguyên tắc BHXH.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH chưa có đánh giá tác động của việc mở rộng đối tượng tới nguyên tắc của BHXH, chưa làm rõ được mức đóng, tỷ lệ đóng của nhóm không hưởng lương tháng, nên cần bổ sung làm rõ.

Theo Bộ Tư pháp, những nội dung chính sách của Luật BHXH tác động rất lớn đến việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền, nghĩa vụ của hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động; cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan BHXH và Chính phủ. Đồng thời, luật này có liên quan tới rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bộ Tư pháp nhận thấy, những vấn đề trên cần được tổng kết, đánh giá, thuyết minh, lý giải một cách toàn diện, sâu sắc; các giải pháp đề xuất cần cụ thể, khả thi. Trong khi Bộ LĐ-TB&XH dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự luật lần đầu vào kỳ họp tháng 10/2022. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một bước căn bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi để trình Chính phủ.

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất một số thay đổi lớn với chính sách BHXH. Theo đó, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo hướng ưu tiên để người lao động ở lại hệ thống BHXH vì an sinh lâu dài khi về già, thay vì hưởng BHXH một lần như hiện nay; đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em nếu có bố hoặc mẹ tham gia BHXH; bổ sung thêm chế độ với người tham gia BHXH tự nguyện như thêm chế độ thai sản, tăng mức hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước; giảm điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm...

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.