Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Cần có chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu ngành CNTT

Cần có chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu ngành CNTT
TP - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐQG) về công nghệ thông tin (CNTT) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Công nghiệp CNTT trong xu thế đầu tư mới”.
Cần có chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu ngành CNTT ảnh 1
Triển lãm quốc tế Viễn thông- Phát thanh truyền hình - Công nghệ thông tin lần thứ 2 năm 2008 vừa được tổ chức tại Hà Nội,  thu hút hơn 60 đơn vị, công ty tham gia trưng bày các sản phẩm tiên tiến nhất hiện nay.Trong ảnh: Khách hàng tham quan các gian triển lãm. Ảnh: Ngọc Hà

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng BCĐQG về CNTT nêu rõ: Đảng và Nhà nước xác định công nghiệp CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều lợi thế với tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 25% /năm (2002-2007), doanh số 3,7 tỷ đô la năm 2007.

Việt Nam đã được xếp hạng là quốc gia có tiềm năng về CNTT trên thế giới, là 1 trong 2 nước hấp dẫn nhất về công nghiệp phần mềm. Kết quả này là rất đáng tự hào nhưng chưa đáp ứng như mong đợi.

Để ngành công nghiệp CNTT vươn lên mạnh mẽ, trở thành thế mạnh của Việt Nam, Phó Thủ tướng gợi ý: Ba năm tới cần thiết lập và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian qua, chúng ta đã chọn một số thị trường và sản phẩm mục tiêu chiến lược về CNTT, vậy cần đánh giá lại xem sự lựa chọn này đã đúng chưa và sản phẩm, nhóm sản phẩm, thị trường chiến lược thời gian tới nên như thế nào? Bên cạnh đó phải hoàn chỉnh mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, trong đó không thể không tính tới vai trò của các khu CNTT tập trung, công viên phầm mềm.

Nguồn nhân lực CNTT cần phải được chuẩn bị tốt để trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Sắp tới chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ được Chính phủ phê duyệt, trong đó coi trong sự phối hợp đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp.

Đảng, Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất,... cho ngành CNTT. Đã đến lúc cần nhìn nhận hiệu quả của các chính sách ưu đãi này để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh, vừa góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vừa tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước.

Hơn 10 tham luận trình bày tại Hội thảo đã đi sâu phân tích lợi thế và những rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp điện tử, công viên phầm mềm, các tập đoàn BCVT, ... Các kiến nghị được đưa ra là: Cần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm CNTT trong nước, không chỉ dừng lại ở gia công đơn thuần như hiện nay.

Để chủ động hội nhập, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, cần phải chọn được sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu biểu mang thương hiệu quốc gia riêng biệt không nên phát triển theo kiểu “cái gì cũng làm” như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đề xuất: CNTT là một ngành công nghệ biến đổi nhanh nên cần có cơ chế tháo gỡ khai thông nhanh những vướng mắc trong thực tiễn do các văn bản, danh mục, quy chế ban hành chậm, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Báo cáo của Ts Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Một trong số các định hướng chính để phát triển công nghiệp CNTT thời gian tới là: Tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ và công nghiệp phụ trợ, hoàn thành quy hoạch khu CNTT tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNTT trong nước và một số biện pháp đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.