Cần chương trình quốc gia về kỹ năng sống

TP - Trước thực trạng thanh niên thiếu kỹ năng sống, tại hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà giáo dục đề xuất cần có chương trình quốc gia về giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ.

>150 bạn trẻ tập làm chiến sĩ

Bà Hà Thị Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, qua nhiều buổi hội thảo, các nhà tuyển dụng có chung nhận định, hầu hết sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. “Nhà tuyển dụng đánh giá cao kỹ năng mềm của ứng viên thông qua cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, sự tự tin, cách lập luận bảo vệ quan điểm, khả năng giải quyết các tình huống… hơn là chú trọng đến bằng cấp.

Tuy nhiên, số đông sinh viên lại yếu hoặc thiếu các kỹ năng trên”, bà Dung nói. Thống kê của Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy có 73% sinh viên ra trường không xin được việc làm do yếu và thiếu kỹ năng thực hành xã hội, 83% bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu kỹ năng sống.

Bà Dung cho biết năm 2008 Bộ GD&ĐT ban hành quyết định 68 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN, trong đó chú trọng đến việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm.

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, qua khảo sát trong số hơn 400 trường ĐH, TCCN trong cả nước mới chỉ có 94 trường có trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm. “Hoạt động của các trung tâm này còn thiếu đồng bộ và thống nhất, đội ngũ cán bộ mới chỉ thiên về tư vấn việc làm, chưa tập trung nhiều vào rèn luyện các kỹ năng”, bà Dung cho biết.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý-Giáo dục Hà Nội, trăn trở: “Chúng ta đang đối mặt với nạn bạo lực học đường, học sinh tự tử, vi phạm pháp luật… ngày một tăng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do học sinh, sinh viên chưa được trang bị đầy đủ, sâu sắc về giá trị sống và kỹ năng sống”.

Theo TS Lâm, các trung tâm tư nhân dạy kỹ năng mềm nở rộ, nhưng kém chất lượng. Ông kể, có nhiều phụ huynh bỏ ra số tiền khá lớn cho con tham gia học kỹ năng sống với mong muốn sẽ có sự đổi thay diệu kỳ. “Khi học các cháu cũng khóc, cũng cười, cũng ân hận nhưng về nhà đâu lại vào đấy. Kỹ năng mềm không phải cứ học là có mà học rồi phải biết sống bằng trải nghiệm, rèn luyện để tích lũy”, TS Lâm nói.

Bàn về phương pháp dạy kỹ năng sống sao cho hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, người dạy chỉ nên đóng vai trò khơi gợi để các em khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó các em sẽ có cảm hứng để phát huy khả năng của mình, tránh tình trạng “đọc chép kỹ năng sống” như hiện nay. Đặc biệt là kỹ năng mềm nên dạy từ lớp mầm non, không chờ lên học THPT hay đại học mới bắt đầu dạy.

Theo TS Lâm, dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn ba không: Không cơ chế, không biên chế nhân lực, không có cả thời gian để triển khai. “Do đó, Bộ GD&ĐT phải có một chương trình quốc gia về giáo dục kỹ năng sống để tháo gỡ khó khăn, bất cập. Những nội dung giáo dục được lựa chọn phải phù hợp với học sinh Việt Nam, không nên cóp nhặt, bê y nguyên công thức giáo dục từ nước ngoài về áp dụng một cách cứng nhắc. Đặc biệt là Bộ GD&ĐT đề ra cơ chế, chính sách thực hiện để mỗi nhà trường nhận thức đúng đắn vấn đề”, TS Lâm đề xuất.

Ý kiến nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, khi đưa nội dung giáo dục kỹ năng mềm vào trường học, các nhà giáo dục cần cẩn trọng chọn ra phương pháp chuyển tải sao cho sinh động, hấp dẫn, tránh tình trạng biến môn học này thành gánh nặng căng thẳng như các môn học văn hóa khác.

Theo Báo giấy