Cận chiến với COVID-19: Vượt qua cửa tử

0:00 / 0:00
0:00
Anh Giang vui vì giúp được nhiều người về với gia đình
Anh Giang vui vì giúp được nhiều người về với gia đình
TP - Trong cuộc chiến với COVID-19, có rất nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng có không ít những niềm vui, hạnh phúc tột cùng khi bệnh nhân vượt qua cửa tử để trở về. Những thành quả đó được làm nên từ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ nhân viên y tế và chính người bệnh.

Cầm tờ giấy ra viện trên tay, chuẩn bị về nhà đoàn tụ với con trai, bà mẹ trẻ Nguyễn Lê Đào (31 tuổi) không khỏi rưng rưng. Cả đời này, chị không thể quên được quãng thời gian hơn một tháng trời chiến đấu với COVID-19. Chị Đào mắc COVID-19 vào cuối tháng 7/2021, sau một thời gian điều trị thì diễn tiến nặng đến nguy kịch, chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương khi đang mang thai tuần thứ 31.

Chiến thắng tử thần

Cuộc hội chẩn liên viện gồm các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và ê-kip chuyên gia hồi sức của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã quyết định mổ bắt con, can thiệp ECMO cho chị. Các chuyên gia của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đến Bệnh viện Trưng Vương phối hợp thực hiện ca phẫu thuật, đặt ECMO. Bé trai nặng 2kg chào đời an toàn sau ca mổ, được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc, trong khi chị Đào được chuyển về Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Sau một tuần đối diện với tử thần, sự sống được duy trì bằng máy móc, lọc máu tích cực, chị Đào đã hồi phục. Là một bác sĩ, chị Đào chưa bao giờ nghĩ đến việc mình phải trải qua một khoảng thời gian khủng khiếp như thế. “Có những lúc tôi tưởng mình không thể vượt qua được. Tôi sợ mình không thể bảo vệ được con trai trong bụng, không được gặp mặt gia đình lần cuối”, chị Đào nhớ lại.

Được sự chăm sóc tận tình, những lời động viên, khích lệ của đội ngũ nhân viên y tế và mong muốn sớm được gặp con, chị Đào hồi phục nhanh và xuất viện sớm hơn dự kiến. Ngồi trên chiếc xe lăn, được các tình nguyện viên đưa ra tận cửa ô tô để trở về nhà, chị Đào rưng rưng nói lời cảm ơn những người đã cứu mình: “Nếu không được can thiệp kịp thời, có lẽ bây giờ tôi không còn ngồi đây nữa. Giờ đây tôi rất hạnh phúc khi sắp được về với chồng, với con, với đại gia đình đang chờ mình ở nhà. Tôi cảm ơn các anh chị đã cứu sống tôi, đã cho tôi và con trai một phép màu, đã hồi sinh tôi trong lúc nguy hiểm nhất!”.

Từng trải qua những ngày phải thở máy, tưởng chừng khó qua khỏi, ông Bùi Văn Minh (64 tuổi, quê Đồng Tháp) may mắn vượt qua cơn hiểm nghèo và xuất viện sau nửa tháng điều trị. Trước khi lên xe trở về nhà, ông Minh ráng nán lại cầm tay bác sĩ thể hiện lòng biết ơn vì đã cứu sống mình. “Thời gian điều trị ở đây tôi được chăm sóc rất tận tình. Tôi xin cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, những anh chị tình nguyện đã chữa trị, cho tôi ăn uống. Giờ xuất viện lại được chở về miễn phí tôi hạnh phúc lắm”, ông Minh chia sẻ.

Cận chiến với COVID-19: Vượt qua cửa tử ảnh 1

Những bệnh nhân hạnh phúc rời bệnh viện sau khi được hồi sinh

Khoa 7B, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được thành lập để tiếp nhận những bệnh nhân nặng, thở máy, thở ô xy dòng cao. Khi nhập viện, những bệnh nhân này trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Trưởng Khoa 7B Trần Hữu Chinh và đồng đội từng bất lực chứng kiến những bệnh nhân nặng tử vong trước mắt. Do đó, khi những người bệnh từng ngày hồi phục, khỏe mạnh và xuất viện là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ y bác sĩ. Các bác sĩ nơi đây luôn cẩn thận dặn dò các bệnh nhân cách tự theo dõi nâng cao sức khỏe sau khi xuất viện.

Chuyến xe 0 đồng

Những ngày qua, khu vực trước cổng Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đường số 400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) luôn có những khoảnh khắc hạnh phúc như thế khi những bệnh nhân COVID-19 từng thập tử nhất sinh đã chiến thắng bệnh tật để trở về với gia đình. Không chỉ hạnh phúc vì chiến thắng bệnh tật, những bệnh nhân và người nhà còn hạnh phúc bởi được trở về nhà trên những chuyến xe 0 đồng với sự phục vụ tận tình.

Dìu ông Minh và các “cựu F0” lên ô tô, anh Nguyễn Cửu Giang, một tình nguyện viên lái xe chở F0 xuất viện về nhà, cẩn thận xếp lại chiếc xe lăn, anh Giang bắt đầu hành trình đưa họ về đoàn tụ cùng gia đình. Từng lái xe cho một công ty du lịch nhưng dịch bệnh bùng phát, công việc bấp bênh nên anh Giang quyết định tạm nghỉ. Cuối tháng 7, anh nhận được lời đề nghị giúp đỡ chở bệnh nhân COVID-19 xuất viện về nhà. Dù ban đầu có lo sợ vấn đề lây nhiễm, nhưng nghĩ đến những người bệnh phải xa gia đình, không có phương tiện để về nhà trong thời gian giãn cách xã hội nên anh Giang quyết định đồng hành với bệnh viện để giúp đỡ họ.

Từ ngày 30/7 đến 31/8, phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã tổ chức 375 chuyến xe đưa bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức COVID-19 xuất viện về nhà. “Qua những chuyến xe yêu thương này, chúng tôi mong muốn kết nối và đưa các bệnh nhân về gia đình thật an toàn. Những nụ cười cùng lời cảm ơn của bệnh nhân chính là những món quà ý nghĩa đối với chúng tôi, khiến chúng tôi thật sự xúc động”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM chia sẻ.

Anh Giang chia sẻ, dịch bệnh bùng phát khiến gia đình anh phải ly tán mỗi người một nơi và con trai 11 tháng tuổi phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc. Ngày 2/9, con trai tròn một tuổi nhưng anh cũng không thể về quê gặp con được. Nghĩ những người bệnh già yếu cũng gặp hoàn cảnh giống mình nên anh cố gắng hết sức để giúp họ được về nhà an toàn. Mỗi ngày anh Giang nhận thông tin những người xuất viện vào chiều tối hôm trước, anh sắp xếp danh sách, lộ trình di chuyển. Sáng hôm sau, mặc đồ bảo hộ, đến trước cổng bệnh viện đợi bệnh nhân xuất viện. “Có ngày phải di chuyển từ 8 đến 10 quận từ sáng đến tối. Lái xe cả ngày dù có hơi mệt nhưng giúp được nhiều người về nhà an toàn tôi vui lắm. Tôi nghĩ giúp đời, giúp người cũng là giúp chính mình”, nam tài xế tâm sự.

Đưa những người khỏi bệnh về nhà, dù có những thoáng lo lắng, sợ bị lây nhiễm nhưng mỗi lần nhìn nụ cười của những bệnh nhân khi đoàn tụ với gia đình, anh lại quên hết. “Có những cô chú lớn tuổi không nhớ được nhà mình ở đâu, tôi phải chạy lòng vòng, đi hỏi từng nhà rất cực. Tuy nhiên, khi trở về mình nghĩ lại hình ảnh các cô chú, những lời cảm ơn từ đáy lòng của họ tôi thấy hạnh phúc ngập tràn. Bây giờ, niềm vui lớn nhất của tôi là mỗi ngày làm được một điều tốt, san sẻ được một phần gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế”, anh Giang cười nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.