Thấm từng nỗi đau
Từ khi Bệnh viện hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu (lớn nhất TPHCM) đi vào hoạt động, chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến để phụ trách công việc liên lạc tìm người thân bệnh nhân COVID-19 đang hồi sức cấp cứu và báo tin bệnh nhân tử vong cho người nhà để làm thủ tục nhận giấy báo tử.
Công việc của chị Hằng bắt đầu lúc gần 7 giờ sáng bằng việc rà soát một lượt thông tin bệnh nhân đang điều trị, bệnh nhân đã tử vong và số điện thoại của người thân bệnh nhân, sau đó đến việc bấm số gọi người thân bệnh nhân đã tử vong...
Hôm nay, cuộc gọi đầu tiên của chị Hằng là cho con gái một nữ bệnh nhân lớn tuổi đã tử vong. Chị Hằng bắt đầu câu chuyện bằng những lời hỏi thăm, xác nhận thông tin trước khi báo thông tin bệnh nhân tử vong. Nghe tin buồn từ chị Hằng, người phụ nữ đầu dây bên kia im bặt. Biết người thân bệnh nhân đang xúc động, chị Hằng nhẫn nại giữ điện thoại. Mộti lúc sau, người phụ nữ như đã lấy lại bình tĩnh, tiếp tục nói chuyện, hỏi thông tin về thời gian mẹ mình mất, các thủ tục nhận tro cốt và giấy báo tử.
"Nghe mình báo tin xong họ rất buồn, có những trường hợp bị sốc khóc nấc rồi ngất lịm, có người im lặng rất lâu. Nghe người ta khóc mình cũng lặng người. Đợi họ bình tĩnh lại rồi mình hướng dẫn tiếp các thủ tục", chị Hằng chia sẻ.
Chị Bích luôn cố gắng tìm thông tin để cung cấp cho người thân bệnh nhân một cách nhanh nhất |
Gần hai tháng Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động là cũng chừng ấy thời gian chị Hằng làm “sứ giả” báo tin đến người thân bệnh nhân và mỗi ngày chị thực hiện hàng chục cuộc gọi điện thoại như thế.
Chị Hằng vẫn nhớ như in cảm xúc và câu chuyện của từng người khi nghe tin người thân ra đi. Chị kể, có lần gọi điện báo tin thì một người đàn ông nghe máy. Dù rất xúc động nhưng anh ấy cũng rất bình tĩnh và kể lại chuyện gia đình mình vô tình mắc COVID-19 khiến chị không khỏi xót xa.
Theo lời người đàn ông, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, gia đình anh cũng rất cẩn thận, không dám đi ra ngoài. Tuy nhiên, có một người hàng xóm đi làm công trình ở ngoài về ghé hỏi thăm. Không ngờ họa ập đến khi cả gia đình, dòng họ có 5 người chết vì COVID-19, 11 người thân khác là bệnh nhân đang điều trị.
"Anh đó nói, 5 người mất là những người dì, người mẹ, người bà trong gia đình. Chỉ vì hàng xóm nhiễm bệnh sang hỏi chuyện vài câu mà hậu quả khôn lường đến vậy. Anh đó khóc một cách tức tưởi, rất đau đớn", chị Hằng nghẹn lời.
Không để người thân phải chờ
Cũng được giao trách nhiệm là cầu nối giữa bệnh viện với người thân để cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe, nơi điều trị của bệnh nhân COVID-19, mỗi ngày chị Văn Thị Ngọc Bích, nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận cả trăm tin nhắn, cuộc gọi từ những người đang tìm kiếm thông tin thân nhân.
Từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, số lượng bệnh nhân nặng và nguy kịch được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày một đông. Trong khi đó, người thân gần như mất liên lạc hoàn toàn với bệnh nhân nên hầu hết ai cũng lo lắng. Hiểu được tâm lý những người có thân nhân mắc COVID-19 nặng đang phải chống chọi với dịch bệnh, mỗi khi nhận tin nhắn, dù đang ở bệnh viện hay ở nhà, dù là ngày hay đêm, chị Bích cũng cố gắng rà soát thông tin để trả lời một cách nhanh nhất.
Mỗi ngày trả lời cả trăm tin nhắn về thông tin bệnh nhân, tình trạng bệnh của từng trường hợp, chị Bích cũng đối diện với đủ loại cảm xúc khác nhau, từ vui mừng khi tìm được thông tin của một bệnh nhân thất lạc đến đau đớn khi phải báo tin buồn. Chị kể, có trường hợp gia đình 4 người thì người mẹ mới 37 tuổi và hai người con dương tính phải đi điều trị ở những nơi khác nhau.
Tuy nhiên, người mẹ không qua khỏi. Khi tôi nhắn tin báo thì người chồng không tin đó là sự thật. "Anh đó đến trước cổng bệnh viện nằm chờ suốt 3 ngày, người thân năn nỉ kiểu gì cũng không về. Thấy xót xa khi người chồng không thể tin được vợ mình ra đi như thế", chị Bích lạc giọng.
"Thông báo tình trạng bệnh nhân COVID-19 cho người thân là công việc không hề dễ dàng. Điều đó càng trở nên khó khăn hơn với việc phải thông báo tin buồn đến với gia đình họ. Nhưng việc của chúng tôi là truyền thông tin, kết nối bệnh viện với người thân một cách sớm nhất. Do đó, dù tin báo có thể mang đến nỗi đau cho những người ở lại nhưng chúng tôi hi vọng những thông tin đó sẽ giúp người thân bệnh nhân bớt đi phần nào sự thấp thỏm lo âu...".
Chị Văn Thị Ngọc Bích
Theo chị Bích, trước đây, khi công nghệ thông tin chưa được áp dụng, việc tìm kiếm thông tin bệnh nhân rất nan giải. Đặc biệt là đối với bệnh nhân phải chuyển viện nhiều lần. Đã có không ít gia đình bặt vô âm tín với người bệnh từ khi đi cách ly tập trung, người thân phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm kiếm thông tin. Việc cập nhật thông tin bệnh nhân của bệnh viện cũng khá khó khăn khi mỗi nơi một kiểu, chỉ có nhân viên của bệnh viện mới tra cứu được.
Sau này Sở Y tế TPHCM đã triển khai hệ thống tra cứu thông tin người bệnh COVID-19, nên người thân thuận tiện hơn. Điều quan trọng là khi nhập dữ liệu lên hệ thống, các bệnh viện phải nhập chính xác, chỉ cần sai một chi tiết như tên, tuổi hay số chứng minh nhân dân sẽ không thể tìm ra được. Chị kể, có lần chị mất nửa ngày để tìm kiếm thông tin một bệnh nhân vì người này có hai tên khác nhau.
(Còn nữa)