Những người lính tại Đoàn 93 - Bộ tham mưu Binh chủng Công binh ngày đêm luôn luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Mỗi 8h sáng hàng ngày các anh được đội trưởng giao nhiệm vụ cụ thể.
Công việc chính của các công binh tại đây là dò phá bom mìn, giải cứu người bị nạn trong trường hợp bị hỏa hoạn, đánh bom. Trong nhiều năm qua, đơn vị đã được trang bị phương tiện dò mìn bằng máy, đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Ngoài việc huấn luyện chiến đấu theo chương trình chung, các chiến sĩ tại Đoàn 93 còn những nhiệm vụ chống bạo loạn, phòng chống khủng bố, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Đây chính là đơn vị từng kết hợp cùng các chiến sĩ Lữ đoàn 293 góp phần không nhỏ vào chiến dịch cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) hồi tháng 12/2014. Họ đã trực tiếp tham gia đào ngách hầm cứu thoát 12 nạn nhân bị kẹt.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đã tham gia tốt công tác khắc phục hậu quả trong các vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sập mỏ đá Bản Vẽ, mỏ đá Lèn Cờ, cháy tòa nhà Điện lực Việt Nam tại Hà Nội và sự cố trực thăng rơi tại Hòa Lạc tháng 7/2014.
Các thiết bị kỹ thuật của Tiểu đoàn 93 gồm có máy cưa xích, bộ weber điện… hoạt động rất hiệu quả trong nhiều chiến dịch cứu hộ, cứu nạn. Mỗi lần như vậy, các chiến sĩ phải hoạt động hết công suất, liên tục, không ngừng nghỉ.
Trên hình ảnh là buổi diễn tập dập tắt đám cháy ở ngôi nhà hai tầng giả định với cảnh đổ nát, bừa bộn gạch vỡ, vôi vữa, có nhiều nạn nhân bên trong.
Chỉ trong khoảng 15 phút, đám cháy được dập tắt, các chiến sĩ lần lượt tiếp cận được hiện trường.
Nạn nhân làm bằng hình nộm được khênh từ trên cao xuống và đưa ra ngoài.
Ngoài tập luyện, các chiến sĩ của đoàn còn phải thực hiện công việc huấn luyện, bảo quản và sửa chữa phương tiện, vũ khí, đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Kể từ năm 1990 đến nay, Đoàn 93 được coi là đơn vị “đặc nhiệm công binh”, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là khắc phục hậu quả sập đổ công trình.